Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng triển khai cơ chế đặc thù để phát triển nhanh, bền vững Cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh: Luồng gió mới cho đầu tàu kinh tế tăng tốc

Phát triển kiểu “vệt dầu loang” không còn phù hợp

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ những đặc thù của TPHCM là một đô thị hết sức đặc biệt, tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP, 25% thu ngân sách…

Tuy nhiên, thời gian qua TPHCM đang phải đối diện nhiều khó khăn như tiềm năng thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, dẫn dắt có chiều hướng suy giảm; tỷ lệ đóng góp GDP năm 2023 chỉ còn 16,5%. Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng thấp hơn trung bình cả nước; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần…

“Các tỉnh, thành khác vượt lên, TPHCM chậm lại. Sắp tới, lợi thế cửa ngõ quốc tế chắc chắn sẽ suy giảm” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định và đề nghị các đại biểu dự hội thảo đóng góp ý kiến để lựa chọn hướng đi phù hợp cho TPHCM.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh: Không thể tăng trưởng cao nếu không có đột phá thực chất
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì hội thảo.

Đồng tình với những nhận định này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn hội thảo giúp nhận diện rõ hơn những hạn chế, khai mở hết tiềm năng để TPHCM làm tròn vai trò là một trung tâm phát triển, không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, mà của cả nước và xa hơn, là của khu vực. “Quy hoạch TPHCM không chỉ vì sự phát triển của thành phố và cũng không tự làm một mình được” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói thêm.

Nêu ý kiến về định hướng xây dựng quy hoạch, GS.TS, KTS Trần Trọng Hanh - Chủ nhiệm Đồ án quy hoạch TPHCM, cho rằng với quy mô dân số gần 10 triệu dân, TPHCM sẽ là 1 trong 20 siêu thành phố trên thế giới; trong khi quỹ đất thuận lợi để khai thác còn lại rất ít.

“Kiểu phát triển “vết dầu loang” (đô thị đơn cực) lâu nay không thích hợp nữa, thay vào đó, thành phố phải phát triển đa cực, xanh, thông minh, đảm bảo môi trường bền vững. Mô hình phát triển mới cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng di dân ồ ạt, nâng cao chất lượng sống cho người dân” - ông Trần Trọng Hanh phát biểu.

Điểm nghẽn là thiếu sự đột phá về thể chế

Bổ sung thêm ý kiến, TS. Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị làm rõ hơn vai trò của TPHCM trong vùng khu vực. Theo ông, TPHCM từng là ví dụ tiêu biểu của đổi mới sáng tạo, nhưng bây giờ dường như “dè dặt hơn nhiều”.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh: Không thể tăng trưởng cao nếu không có đột phá thực chất
Hội thảo diễn ra sáng ngày 28/2.

Trượt nhanh đến bẫy thu nhập trung bình

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cơ cấu kinh tế của TPHCM hiện đang chuyển dịch theo hướng trượt nhanh đến bẫy thu nhập trung bình, mà nguyên nhân sâu xa là TPHCM không được trao đủ quyền, không có quyền tự chủ đủ mức để có tư duy mới với dư địa chính sách, thể chế đặc thù đủ lớn nhằm xây dựng bộ máy, đội ngũ lãnh đạo và công chức đủ năng lực xây dựng và thực thi các chính sách tốt, giải quyết được yêu cầu và mâu thuẫn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Về các kịch bản tăng trưởng dự kiến trong dự thảo đồ án quy hoạch TPHCM, TS. Cao Viết Sinh cho rằng, các kịch bản nêu trong quy hoạch có phần chưa hợp lý, bởi nếu thành phố chỉ chọn tăng trưởng 8,3%, là mức kịch bản trung bình, thì vùng không thể đạt 9% như quy hoạch vùng đã xác định. Ông đề xuất mức hợp lý với thành phố phải là 9%.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế - xã hội, ông Chris Malone - Giám đốc Điều hành của Boston Consulting Group (BCG), nhận xét đồ án quy hoạch đang khá tập trung vào phát triển không gian, cần chú trọng hơn về phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cũng cho rằng TPHCM có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, nhưng điểm nghẽn là chưa có đột phá thể chế.

“Tôi cho rằng, TPHCM có thể chọn phương án 3 (tăng trưởng trên 10%), thậm chí cao hơn, vẫn có thể khả thi. Vấn đề là chúng ta có dám chọn, dám có tư duy đột biến, khác biệt, có cơ chế ra quyết định “phi truyền thống” và giải pháp cách làm khác biệt, quyết liệt hay không. Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có tăng trưởng 10 - 15%/năm liên tục trong 20 - 30 năm” - TS. Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.

Với thực tế hiện nay, ngay cả với phương án 2 mà dự thảo đã lựa chọn cũng là khó khăn. TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 6,6%, năm 2021 – 5,36%; 2022 là 9%; 2023 là 5,81%, như vậy bình quân 2 năm 2024 - 2025 phải đạt 11,8%; cao gấp đôi so với năm 2023. Mục tiêu này không thể đạt được trong bối cảnh hiện nay. Nếu 2 năm này chỉ tăng trung bình khoảng 8 – 9%, thì giai đoạn 2026 - 2030 phải tăng cao hơn trung bình khoảng 12% mới đạt trung bình 8,3% cho 2021 - 2030.

“Đây là phương án không thể đạt được nếu tiếp tục tăng trưởng dựa trên những lợi thế và cơ hội kinh doanh sẵn có; thiếu các nỗ lực xây dựng năng lực tăng trưởng mới. Không có đột phá thực chất, thì không thể chuyển đổi được mô hình tăng trưởng, và không thể thực hiện được phương án phát triển được lựa chọn” - nguyên lãnh đạo CIEM khẳng định.

Tổng vốn đầu tư xã hội thấp hơn bình quân cả nước

Theo báo cáo tại hội thảo, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thấp hơn mức bình quân cả nước và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ gia tăng năng suất lao động của TPHCM có xu hướng thấp hơn với bình quân chung cả nước.

TPHCM cũng được đánh giá hạn chế trong thu hút FDI do thiếu mặt bằng sản xuất, trong cơ cấu vốn, FDI chỉ chiếm 13,3%. Vốn của các tổ chức doanh nghiệp trong nước chiếm 52,3%, là nguồn lực đầu tư lớn nhất, tuy nhiên lực lượng doanh nghiệp này phần lớn có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, khó tạo ra tăng trưởng về năng suất lao động chung cho nền kinh tế.

Lực lượng doanh nghiệp tại TPHCM nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, cụ thể thành phố có 200.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 97% tổng số doanh nghiệp và 65% tổng số lao động. Doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ nhỏ 3,4% tổng số doanh nghiệp, nhưng tạo ra khoảng 25% số lượng việc làm. Số lượng doanh nghiệp có dưới 5 lao động chiếm tới 2/3 tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.