50 ngày, 3 công điện

Chỉ trong vòng 50 ngày từ 12/2 đến 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phải 3 lần ra công điện đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp bách: triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong công điện được phát đi vào ngày 2/4 nêu rõ: Thời gian qua, các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia, ngày 5/4/2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia, ngày 5/4/2022.

Tuy nhiên tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ đến nay còn chậm, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra tại chương trình. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, cơ quan chậm hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong tháng 3/2022 nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được để tiếp tục chậm trễ.

Như đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo lẽ ra trong tháng 3/2022 phải hoàn thành dứt điểm việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Nhưng hết tháng 3, chính sách vẫn chưa thấy đâu và hạn chót mà Thủ tướng cho bộ này lùi là đến ngày 10/4.

Nguồn: TTXVN
Nguồn: TTXVN

Tương tự với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng trong tháng 3, phải hoàn thành dứt điểm việc xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của chương trình trong năm 2022 - 2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng công việc này cũng không thể đúng hạn và theo yêu cầu của Thủ tướng, thời điểm cuối cùng phải hoàn thành là ngày 10/4.

Đoạn trường nhọc nhằn

Dù vậy, trong lĩnh vực đầu tư công thì có vẻ như không phải cứ cố hết sức đẩy nhanh là có thể đẩy nhanh được. Khi Thủ tướng nhắc nhở Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để tiếp tục chậm trễ thì bộ này cũng đề nghị Thủ tướng phê bình 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương đến ngày 30/3/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao và 29 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.

Những tiếng kêu trong đêm

“Ùn ứ nông sản, nhiều ngày qua tôi thường nhận được những tiếng kêu trong đêm của nông dân” - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ngậm ngùi nói, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3. Ông nói tiếp: “Nông sản không phải như các sản phẩm công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp thì khi thị trường tắc, có thể đưa vào kho chờ cơ hội thông, còn nông sản, cứ 3, 4 tháng theo chu kỳ thì phải thu hoạch và không thể đưa vào chất trong kho. Khi nông sản ùn ứ vào vụ thu hoạch rồi, chúng ta mới loay hoay tìm kiếm thị trường, trong khi vẫn chưa minh bạch được chất lượng nông sản của chúng ta”.

Ông Hoan cũng nhắc đến một bài học có tên là “mau quên”. Đó là, khi tình trạng ùn ứ nông sản ở phía Bắc thì vừa cố loay hoay mở cửa khẩu, vừa dằn vặt lẫn nhau là tại sao chúng ta lại lệ thuộc một thị trường; tại sao chúng ta không chế biến; tại sao chúng ta không phát triển thị trường nội địa… Nhưng ngay khi cửa khẩu mở ra được rồi thì ai về nhà nấy, việc ai nấy làm, nông dân thì sản xuất theo tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì kinh doanh theo tư duy thương vụ còn những nhà quản lý thì nghĩ ngắn. Thế rồi đến hẹn lại tắc, lại ùn ứ, lại loay hoay. Đề cập đến giá cả vật tư đầu vào tăng, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, “đây là câu chuyện canh cánh trong lòng tất cả chúng ta”.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các bộ, địa phương này cần nghiêm túc tự kiểm điểm, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, xem xét các tổ chức, cá nhân còn trì trệ có biện pháp xử lý phù hợp. Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải coi việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải có các giải pháp quyết liệt ngay để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn…

Giải ngân vốn đầu tư công xem ra sẽ là đoạn trường nhọc nhằn trong tiêu tiền, khi vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/3/2022 mới chỉ đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, còn thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (13,17%). Có tới 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%).

Ngay tại đại dự án cao tốc Bắc – Nam, mà trực tiếp Thủ tướng có hành trình xuyên tết, xuyên Việt để đốc thúc, cũng trong tình trạng chậm. Trong 11 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, có 1 dự án đã hoàn thành, 10 dự án đang triển khai thi công xây dựng; lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 31,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,41% so với kế hoạch đề ra.

Nặng nề sức ép GDP

Đầu tư công được xem là đòn bẩy mạnh nhất cho tăng trưởng kinh tế khi mỗi 1 điểm phần trăm tăng thêm của vốn đầu tư công sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Bởi vậy, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã dành tới một nửa nguồn lực để dồn cho đầu tư công. Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công càng trở thành thách thức to lớn trong điều hành của Chính phủ, nhất là khi sức ép tăng trưởng GDP trở nên nặng nề hơn, bởi con số GDP đạt được sau đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2021 chỉ tăng 2,58%, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội vào cuối năm ngoái là tăng từ 3 - 3,5%.

Tăng trưởng kinh tế không chỉ phải đối diện với thách thức về giải ngân vốn đầu tư công, mà phải đối diện với vấn đề thiếu hụt năng lượng do nguồn cung khan hiếm. Mặc dù Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Tập đoàn Dầu khí, đã khẳng định: “trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài; phải có kịch bản cho các vấn đề tình thế, đột xuất, bất ngờ”. Nhưng thực tế được chỉ ra tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là dự trữ xăng dầu thế nào, có đảm bảo được hay không hiện là “ẩn số”.

Bồi thêm nỗi lo về thị trường xăng dầu là nỗi lo về thị trường than, kéo theo nỗi lo về thị trường điện. Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), căn cứ số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày 30/3, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của tập đoàn vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng đã ký. Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát, dẫn đến toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Thủ tướng quả quyết: “Dứt khoát không để khủng hoảng năng lượng, bảo đảm cung ứng đủ điện cả trước mắt và lâu dài”.