Ngày 12/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7/2022.

Tăng lương tối thiểu có thể tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Mức lương tối thiểu vùng cho người lao động được điều chỉnh tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2022. Ảnh minh họa

Theo đó, về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng:

Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.

Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.

Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.

Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Về mức lương tối thiểu giờ, quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

Việc tăng lương tối thiểu theo Nghị định 38 có thể tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng.

Cụ thể, theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hằng tháng người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo các tỷ lệ nhất định được tính dựa trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2022, dẫn đến tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng có sự điều chỉnh. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nếu doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1/7/2022, số tiền hằng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc nói trên sẽ tăng thêm so với trước.

Trường hợp đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng, thì số tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp không cần điều chỉnh tăng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 với mức 6% đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Vì vậy, khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với nhóm người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp, phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới.