Tăng trưởng GDP đang có chuyển biến tích cực

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, thấp hơn kỳ vọng do chịu nhiều tác động bất lợi đến từ bên ngoài. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?

Tăng trưởng GDP đang có chuyển biến tích cực
Ông Đinh Trọng Thịnh

Ông Đinh Trọng Thịnh: Có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023 là chỉ số rất thấp, trong hàng chục năm nay, trừ những năm bị đại dịch Covid-19. Trong đó, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu do tổng cầu thế giới suy giảm, cho nên sản lượng kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm mạnh, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%, nhập khẩu giảm đến 18,2%. Đó là những con số cho thấy xuất khẩu sụt giảm vì đơn hàng không có, hàng tồn kho bình quân 6 tháng là 83,1%. Đây là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, cầu trong nước cũng giảm, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm đáng kể, tháng 1/2023 mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20%; tháng 2, tháng 3 giảm còn 14,5%; tháng 4, tháng 5 giảm xuống 11,4%, đến tháng 6 giảm còn 6,5%.

Có thể nói, thị trường xuất khẩu và đơn hàng giảm, như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm điện tử… đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.

PV: Từ đầu năm 2023 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo ông, các chính sách này sẽ tác động ra sao tới tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát?

Có khả năng đạt được mốc tăng trưởng cao

Nếu như Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, họ có thể đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thực hiện tốt đơn hàng đã ký với kế hoạch kinh doanh doanh nghiệp đề ra, thì việc Việt Nam đạt được mốc tăng trưởng cao có thể xảy ra.

Ông Đinh Trọng Thịnh: Việc Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023, cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãm hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… của chính sách tài khóa, đang tạo động lực rất lớn giúp cho các doanh nghiệp (DN) giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu. Trong đó, gia hạn thuế giúp DN có được một khoản vốn không phải vay ngân hàng, giảm thuế giá trị gia tăng giúp giảm giá thành sản xuất, đẩy cầu tiêu dùng tăng lên, khi hàng hóa giảm người dân sẽ tăng chi tiêu; giảm thuế còn làm giảm áp lực lạm phát, ổn định nền kinh tế.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ cũng có tác động rất lớn, việc VND từ đầu năm đến nay vẫn giữ ổn định, chỉ sụt giảm giá trị so với USD khoảng 2%, hy vọng đến cuối năm chỉ sụt giảm 2 - 3%. Như vậy, đồng tiền ổn định giúp chi tiêu trong nền kinh tế tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, giúp hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm nhiều, từ đó thúc đẩy sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, kể cả đi vay hay các hoạt động huy động vốn, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phục hồi nhanh hơn.

Ngoài ra, có những chính sách khuyến khích lãi suất thấp hơn của hệ thống ngân hàng khi giảm lãi suất 1,5 - 2% gói 120 nghìn tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các chính sách ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội đang hỗ trợ DN hồi phục và phát triển.

PV: Các tổ chức tài chính lớn đánh giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt thấp hơn mục tiêu đề ra. Ông nhận định thế nào về mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Rất nhiều chuyên gia kinh tế, viện nghiên cứu trong nước, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt được 5 - 6%. Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng tôi, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Lý do, chúng ta nhìn vào động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thứ nhất, nền kinh tế nước ta đang dựa vào xuất khẩu, dù xuất khẩu đang sụt giảm rất mạnh. Nhưng từ tháng 7/2023 xuất khẩu đã tăng lên, đặc biệt mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32% so với cùng kỳ, các đơn hàng rất nhiều, từ đó làm cho hoạt động xuất khẩu tăng lên đáng kể. Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, may mặc đã có lại các đơn hàng xuất khẩu, hay nông sản cũng tăng, rõ ràng hoạt động xuất khẩu đang tốt lên.

Thứ hai, tiêu dùng trong nước ở chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm từ đầu năm đến tháng 6 xuống 6,5%, đến tháng 7 đã tăng lên 7,1% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy, việc kích cầu đã có tác động và tiêu dùng của người dân đã tăng lên. Nếu đẩy mạnh xuất khẩu quay lại mức tăng trưởng 18 - 20%, thì việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng là dễ dàng. Đồng thời, tiêu dùng tăng trưởng 18 - 20% như tháng 1/2023 so với cùng kỳ, tiêu dùng tốt lên là điểm rất rõ để chúng ta hy vọng.

Thứ ba, đầu tư công với tổng mức đầu tư rất lớn, từ mức hơn 400 nghìn tỷ đồng hàng năm, năm 2023 tăng lên hơn 700 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đang quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 95 - 98%, nhưng nếu đẩy mạnh giải ngân được ngay trong tháng 8, 9, 10 thì độ lan tỏa không những cho DN phục vụ cho đầu tư công trực tiếp, mà còn lan tỏa vòng 2, vòng 3 và tác động ngay trong năm 2023.

Thứ tư, đầu tư nước ngoài là một trong những động lực rất quan trọng, tính đến ngày 20/7/2023, vốn đăng ký tăng 4,5% so với cùng kỳ, giải ngân vẫn tốt. 7 tháng năm 2023 vốn đầu tư thực hiện tăng 1% so với cùng kỳ. Nếu hỗ trợ tạo điều kiện cho DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư có vốn thực hiện tốt thì cơ hội đạt được mục tiêu đề ra là khả quan.

Vì thế, tôi xây dựng 2 kịch bản. Một là, nếu như các điều kiện không phải quá tốt, thực hiện ở mức bình thường, như: xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% trở lại, đầu tư công giải ngân không được cao, chậm trễ đến tháng cuối năm mới giải ngân được; tiêu dùng trong nước có tăng nhưng ở mức thấp 10 - 12%; đầu tư nước ngoài không tăng trưởng mạnh hơn; giá cả tiêu dùng trên thế giới với một số mặt hàng như xăng dầu tăng ở mức cao hơn, lấy mức dầu thô tăng vượt mốc 85 USD/thùng, thì mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,3 - 6,7%, lạm phát nằm trong khoảng 3,3 - 3,5%.

Ở kịch bản 2, nếu thực hiện tốt 4 trụ cột, đó là tăng trưởng xuất khẩu đạt 18 - 20% từ nay đến cuối năm, giải ngân đầu tư công tháng 8, 9 giải ngân nhanh, đạt 75 - 80% trong quý III, vòng lan tỏa tốt hơn; tiêu dùng đạt mức tương đối cao; đầu tư nước ngoài thực hiện tốt; các vấn đề an sinh xã hội đạt tốt; giá dầu thô vẫn giữ ở mức 75 - 85 USD/thùng và các chi phí khác không tăng quá cao thì Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8 - 7,4%.

PV: Xin cảm ơn ông!

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh có 2 kịch bản có thể xảy ra:

Một là, nếu như các điều kiện không phải quá tốt, thực hiện ở mức bình thường, như: xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% trở lại, đầu tư công giải ngân không được cao, chậm trễ đến tháng cuối năm mới giải ngân được; tiêu dùng trong nước có tăng nhưng ở mức thấp 10 - 12%; đầu tư nước ngoài không tăng trưởng mạnh hơn; giá cả tiêu dùng trên thế giới với một số mặt hàng như xăng dầu tăng ở mức cao hơn, lấy mức dầu thô tăngvượt mốc 85 USD/thùng, thì mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,3 - 6,7%, lạm phát nằm trong khoảng 3,3 - 3,5%.

Ở kịch bản 2, nếu thực hiện tốt 4 trụ cột, đó là tăng trưởng xuất khẩu đạt 18 - 20% từ nay đến cuối năm, giải ngân đầu tư công tháng 8, 9 giải ngân nhanh, đạt 75 - 80% trong quý III, vòng lan tỏa tốt hơn; tiêu dùng đạt mức tương đối cao; đầu tư nước ngoài thực hiện tốt; các vấn đề an sinh xã hội đạt tốt; giá dầu thô vẫn giữ ở mức 75 - 85 USD/thùng và các chi phí khác không tăng quá cao thì Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8 - 7,4%.