Thanh khoản đột ngột giảm

Thị trường có tới hai nhịp tăng rất nỗ lực hòa nhịp với thế giới. Nhịp đầu tiên đẩy VN-Index đạt đỉnh khoảng 10h30, nhịp thứ hai là ngay đầu phiên chiều. Mức tăng cao nhất của chỉ số này là 1,01% trên tham chiếu. Tuy nhiên đến cuối ngày, chỉ số chỉ còn tăng 0,36%.

Chỉ riêng các con số này cũng đã thể hiện đà suy thoái của thị trường về cuối phiên. Gần như trọn buổi chiều thị trường chỉ có một xu hướng là tụt dốc. VN30-Index chốt phiên thậm chí còn tăng chưa tới 1 điểm, trong khi có lúc trong phiên tăng hơn 16 điểm.

Thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại tiếp tục xả lớn
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Phiên hôm nay nhóm cổ phiếu hàng hóa chịu ảnh hưởng khá mạnh từ biến động thế giới. Đêm qua giá dầu sụt giảm mạnh do có thông tin UEA ủng hộ việc tăng sản lượng dầu. Cổ phiếu dầu khí giảm là một thiệt thòi khá lớn cho chỉ số: GAS giảm 3,03%, PLX giảm 2,7% là hai trong 5 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.

Ngoài ra nhóm blue-chips cũng chứng kiến HPG giảm 1,4% kéo theo cả nhóm cổ phiếu thép giảm theo: HSG giảm 1,21%, VIS giảm 2,37%, POM giảm 1,63%, TLH giảm 1,19%... Tuy nhiên cổ phiếu gây bất ngờ nhất là MSN khi bốc hơi tới 3,54% giá trị. MSN đã tăng khá tốt trong hơn chục phiên từ cuối tháng 1 tới giữa tháng 2 vừa qua, nhưng biên độ cũng chỉ khoảng 15%. Mặt khác, MSN có tới 13 phiên gần nhất hầu như chỉ đi ngang. Hôm nay giá đột ngột giảm mạnh nhất 26 phiên. Nguyên nhân có thể đến từ lực bán khá lớn của khối ngoại, khi xả ra tới 67% tổng khối lượng giao dịch ở MSN. Giá trị bán ròng lên tới trên 120 tỷ đồng.

Với đà suy giảm ở chỉ số, không khó để thấy cổ phiếu cũng bị trượt giá khá nhiều. Bất kể là giá cuối ngày xanh hay đỏ, toàn bộ 30 mã của rổ VN30 đều không thể duy trì được độ cao, thậm chí hàng loạt mã trượt giảm trên 2% như BID, HDB, VPB, GVR, MBB, MSN, NVL, POW, SSI, TPB. Mức trượt giảm này nghĩa là nếu nhà đầu tư đua giá đúng đỉnh cao nhất thì kết phiên đã lỗ ngay lập tức tương ứng với biên độ trượt giá.

Một trong những lý do khiến cổ phiếu trượt giá là thiếu sức mua. Giá tăng hưng phấn đầu ngày do tác động từ bên ngoài, nhưng để đẩy giá lên cao hơn hoặc giữ giá, cần một lực mua đủ tốt duy trì suốt cả ngày chứ không chỉ ở một thời điểm. Trong khi đó VN30 hôm nay giao dịch giảm tới 20% so với hôm qua, thậm chí dưới ngưỡng 7 ngàn tỷ đồng, kém nhất 11 phiên. Toàn sàn HoSE giao dịch cũng giảm 30%, chỉ loanh quanh 20 ngàn tỷ đồng khớp lệnh.

Khối ngoại gây áp lực

Trong bối cảnh thanh khoản quá kém ở nhóm blue-chips, nhà đầu tư nước ngoài lại bán nhiều cũng gây áp lực rất lớn. Số liệu cho thấy tổng giá trị bán ra với cổ phiếu VN30 hôm nay lên tới 1.345,8 tỷ đồng, tức là chiếm 19,3% giá trị rổ này.

Có hàng loạt cổ phiếu bị xả rất lớn, tác động lên phía cung trong thời điểm dòng tiền vào mua hạn chế. MSN như mới nói ở trên, bị bán ròng trên 120 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng 210,2 tỷ đồng. VIC, VPB, HDB, VHM, PLX, NVL cũng bị bán hàng chục tỷ ròng. Tính chung các mã trong nhóm VN30 bị bán ròng gần 685 tỷ đồng.

Hôm nay tổng mức bán ròng tại HoSE là 744 tỷ đồng. Tính chung 4 phiên của tuần này, giá trị bán ròng ở sàn này xấp xỉ 4.800 tỷ đồng. Tuần này có khả năng sẽ là tuần bán ròng mạnh nhất kể từ tuần giữa tháng 1/2022 (bán ròng tập trung giao dịch MSN hơn 4.700 tỷ đồng).

Mặc dù lâu nay hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không gây được nhiều chú ý nữa, vì dòng vốn trong nước mạnh lên. Tuy nhiên trong từng thời điểm, áp lực bán từ nhóm nhà đầu tư này vẫn có những tác động, khi dòng vốn trong nước suy yếu. Đặc biệt như các cổ phiếu VN30 hôm nay tỷ trọng bán tới trên 19%, dù tỷ trọng chung của sàn là khoảng 9%.

Thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại tiếp tục xả lớn

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.386 đồng (-30%)

629,1 triệu (-29%)

3.069 tỷ đồng (-22%)

118,7 triệu (-14%)