Thay đổi về chất hạ tầng giao thông vùng núi phía Bắc
Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 15 sẽ giúp nâng cao năng lực thông hành, tăng cường kết nối khu vực Tây Bắc ra cảng Nghi Sơn.

Đề xuất đầu tư nâng cấp hai tuyến quốc lộ ở Hòa Bình

Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) mới đây đã trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ (QL) 12B và dự án nâng cấp, mở rộng QL15 đoạn từ Km 0+00 - Km 20+00 thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tổng mức đầu tư 2 dự án này là hơn 3.000 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, cải tạo QL12B được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp với tổng chiều dài tuyến khoảng 63 km. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 2.168 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2025 - 2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác.

Việc đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, cải tạo QL12B đoạn qua tỉnh Hòa Bình nhằm nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; góp phần thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và các tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội thông qua đường vành đai 5 theo quy hoạch.

Còn dự án nâng cấp, mở rộng QL15 sẽ giúp kết nối, đồng bộ và nâng cao hiệu quả đầu tư với đoạn tuyến QL15 đoạn Km 20 - Km 109 đã được hoàn thành đầu tư trước đây. Dự án cũng giúp nâng cao năng lực thông hành, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), tăng cường kết nối khu vực Tây Bắc ra cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa và cũng là tuyến đường ngắn nhất từ các tỉnh Tây Bắc ra các cảng biển; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa cũng như các tỉnh miền Trung.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2025 - 2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến, dự án khởi công vào quý I/2024, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng khoảng 24 tháng.

Đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến quốc lộ

Cũng theo Bộ GTVT, để góp phần thay đổi toàn diện hệ thống hạ tầng giao thông miền núi Bắc Bộ, Bộ GTVT đã giao Cục ĐBVN lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến quốc lộ. gồm: dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh kết nối giữa cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tỉnh Phú Thọ); dự án nâng cấp, mở rộng cầu vượt B49 qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên QL10 (TP. Hải Phòng); dự án nâng cấp QL34 đoạn từ Đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Km247 - Km265) và dự án nâng cấp QL4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng); dự án nâng cấp, mở rộng QL37 đoạn từ Km 77+850 - Km 93+839 (tỉnh Hải Dương).

Trước đó, UBND tỉnh Sơn La cũng đã đề xuất Bộ GTVT chấp thuận cho phép cải tạo, nâng cấp hai tuyến quốc lộ là QL37, QL43 và đầu tư xây dựng cầu Vạn Yên, với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Cụ thể, cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn Gia Phù - Cò Nòi giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Theo đề xuất, việc cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn Gia Phù - Cò Nòi góp phần kịp thời khắc phục hư hỏng bảo đảm ATGT, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời hoàn chỉnh đoạn tuyến theo quy hoạch được phê duyệt và kết nối cao tốc Mộc Châu - thành phố Sơn La với các huyện Phù Yên, Bắc Yên.

Còn đối với QL43, UBND tỉnh Sơn La đề xuất cải tạo, nâng cấp đoạn Km 86 - Km 112 (Mộc Châu - Cửa khẩu Lóng Sập), huyện Mộc Châu, với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng giúp nâng cao chất lượng nền, mặt đường, góp phần đảm bảo giao thông an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Xây dựng cầu Vạn Yên qua sông Đà thay thế cho phà Vạn Yên bảo đảm giao thông liên tục trên QL43, xóa bỏ tình trạng chia cắt, giúp kết nối thuận lợi giữa các huyện Bắc Yên, Phù Yên với các huyện Mộc Châu, Vân Hồ; đảm bảo ATGT, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch, cơ động bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Dự kiến, cầu Vạn Yên được xây dựng tại Km26, QL43, huyện Phù Yên. huyện Phù Yên có chiều dài cầu khoảng 1,5km với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.

Tuyến đường ngắn nhất từ các tỉnh Tây Bắc ra các cảng biển

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 15 sẽ giúp kết nối, đồng bộ và nâng cao hiệu quả đầu tư với đoạn tuyến quốc lộ 15 đoạn Km 20 - Km 109 đã được hoàn thành đầu tư trước đây. Dự án cũng giúp nâng cao năng lực thông hành, đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường kết nối khu vực Tây Bắc ra cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa và cũng là tuyến đường ngắn nhất từ các tỉnh Tây Bắc ra các cảng biển.