Nhiều cơ hội duy trì tăng trưởng trong năm 2022

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Long Khánh - Chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, thị trường bảo hiểm (TTBH) vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý đầu năm 2022. Điều đó cho thấy, thị trường đã vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 và còn nhiều dư địa phát triển một cách ổn định, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong ngắn hạn, ông Đỗ Long Khánh cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022 sẽ là động lực giúp doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm để hưởng lợi từ chính sách.

Còn về trung hạn, bảo hiểm là ngành có tương quan nhất định đối với tăng trưởng kinh tế, do đó chịu ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chung của thị trường. Theo định hướng của Chính phủ, mức tăng trưởng GDP mục tiêu cho năm 2022 là 6 - 6,5%. “Chúng tôi cho rằng đây là mức hoàn toàn có thể đạt được; từ đó, sẽ góp phần giúp gia tăng nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản cho các dự án đầu tư công, bảo hiểm hàng hóa cho các hoạt động xuất nhập khẩu, bảo hiểm cháy nổ cho các dự án xây dựng” – chuyên gia của BVSC phân tích.

Thị trường bảo hiểm có nhiều dư địa phát triển mạnh và bền vững hơn. Ảnh: Duy Dũng
Thị trường bảo hiểm có nhiều dư địa phát triển mạnh và bền vững hơn. Ảnh: Duy Dũng

Ngoài động lực chính đến từ nhu cầu phục hồi, theo ông Đỗ Long Khánh, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm còn đến từ việc các DN bảo hiểm đang đẩy mạnh đa dạng hóa các kênh bán hàng, nâng dần tỉ trọng doanh thu đến từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng và kênh bảo hiểm số. Ngoài ra, việc phát triển kênh bán hàng online cũng đã có được căn cứ pháp lý rõ ràng hơn khi Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đã được hợp pháp hoá: đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP) và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ ngày 23/12/2021 theo Nghị định 97/2021/NĐ-CP). Các yếu tố này mặc dù chưa tác động đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận bảo hiểm trong 2021, do nhu cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, nhưng có thể mở đường cho sự hồi phục mạnh mẽ hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, “lãi suất có xu hướng tăng dần trong năm 2022 sẽ hỗ trợ doanh thu tài chính của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, khi tiền gửi của các DN vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng danh mục đầu tư. Tuy vậy, với mức tăng vào khoảng 50-100 điểm cơ bản, chúng tôi cho rằng, các DN bảo hiểm nhân thọ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn” – Chuyên gia của BVSC nói.

Chất lượng thị trường sẽ có bước chuyển tích cực trong dài hạn

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó, định hướng phát triển toàn diện TTBH đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3 - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3 - 3,5% GDP. Được biết, hiện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đang hoàn thiện để trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTBH đến năm 2030. Chiến lược này sẽ xác định rõ ràng, cụ thể mục tiêu, định hướng và các giải pháp, cũng như lộ trình phát triển TTBH trong thời gian tới.

Quy định mới sẽ mang đến nền tảng vững chắc thị trường

“Chúng tôi đánh giá, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ mang đến nền tảng vững chắc cho triển vọng phát triển tích cực của ngành bảo hiểm trong dài hạn. Điều này sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư hơn vào quy trình nội bộ, nguồn nhân lực cũng như nguồn vốn để có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo Luật” – Chuyên gia của BVSC nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi để trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành. Theo các chuyên gia, khi được ban hành sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho TTBH Việt Nam phát triển mạnh và bền vững hơn trong tương lai.

Theo ông Đỗ Long Khánh, nếu được thông qua trong kỳ họp tới, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ năm 2023 sẽ có những ảnh hưởng tích cực đối với ngành bảo hiểm nói chung, cũng như đem lại lợi ích đối với nhà đầu tư, thể hiện qua những điểm: tăng cường trao quyền cho các DN bảo hiểm; nâng cao chất lượng hoạt động của DN; thúc đẩy tính minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường.

Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các DN tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của TTBH. “Điểm này cũng phù hợp với các kế hoạch thoái vốn nhà nước ở các DN bảo hiểm và thúc đẩy kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài” – ông Khánh nói.

Cùng với đó, chất lượng hoạt động của DN cũng được tăng cao khi dự thảo đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin của các DN bảo hiểm. Cụ thể, dự thảo sửa đổi quy định về khả năng thanh toán và các biện pháp can thiệp khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm xuống một mức nhất định. Bên cạnh đó, các DN được khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, đồng thời bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi yêu cầu sự minh bạch hơn của ngành bảo hiểm. Theo đó, các công ty bảo hiểm phải công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm đã được kiểm toán, cũng như các báo cáo về khả năng thanh toán và quản trị rủi ro DN trên trang điện tử của công ty và trang thông tin của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm đều phải được kiểm toán.

Nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu năm

Số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết quý I/2022, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm (TTBH) ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%, trong đó hai mảng nghiệp vụ lớn là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe đều cho thấy sự hồi phục rất tốt. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2022, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 3.170 tỷ đồng (+10,1% so với cùng kỳ), bảo hiểm sức khỏe đạt 3.421 tỷ đồng (+15,3% so với cùng kỳ).

Ghi nhận tại một số doanh nghiệp bảo hiểm, kết quả kinh doanh cũng hồi phục tốt và tăng trưởng trong quý đầu năm 2022. Thông tin từ Bảo hiểm VietinBank (VBI) cho biết, kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm nay của VBI rất khả quan với doanh thu tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước và cao gần 3 lần so với mức tăng doanh thu chung toàn TTBH phi nhân thọ quý I/2022. Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), trong quý I/2022, doanh thu bảo hiểm gốc đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng. Thông tin tại đại hội cổ đông mới tổ chức, năm 2022, MIC đặt kế hoạch tăng trưởng cao ở cả 2 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, đạt tối thiểu lần lượt 40% và 35% so với thực hiện năm trước. Thông tin với báo chí, Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng cho biết, doanh thu trong kỳ của BIC ước tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu cả năm. Tại Bảo hiểm PVI, doanh thu trong quý I/2022 ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% và hầu hết các chỉ tiêu tài chính khác cũng đều vượt mức này.