Yêu cầu về tăng trưởng xanh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; giảm phát thải khí methane vào năm 2030 và mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử này sẽ mang tính bước ngoặt của Việt Nam. Trong đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một trong những giải pháp là cần tập trung nguồn lực vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung

Theo đó, tăng trưởng xanh trong giai đoạn mới sẽ là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối các nguồn lực trong nước và huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, cung cấp một giải pháp hỗ trợ liên ngành trong triển khai thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ở các cấp có sự gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, nhận thức về các yêu cầu đầu tư cho tăng trưởng xanh không chỉ ở cấp độ quốc gia, mà cấp độ doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi. Bà Trần Thúy Ngọc, lãnh đạo phụ trách dịch vụ Quản trị Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững, Deloitte Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp cũng đang nhận thấy tác động của biến đổi khí hậu tới doanh nghiệp của họ. Các doanh nghiệp có thể ở những mức độ thách thức và có những mối quan ngại khác nhau trên hành trình chống biến đổi khí hậu, nhưng tất cả đều cần nhanh chóng chuyển từ giai đoạn từ nhận thức - “tại sao” sang hành động - “làm thế nào”.

Với những yêu cầu này, WB cũng đưa dự báo, nhu cầu đầu tư vào các giải pháp thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu của Việt Nam từ nay đến 2040 có giá trị khoảng 368 tỷ USD. Riêng trong lĩnh vực điện, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, nguồn tài chính để có thêm khoảng 20GW năng lượng tái tạo so với năm 2020 sẽ là khoảng 15-16 tỷ USD mỗi năm tới năm 2030. Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định đưa ra ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 69 tỷ USD cho các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết môi trường của Việt Nam.

Đi tìm nguồn tài chính bền vững

Trước bối cảnh nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh ngày càng lớn như trên, việc đi tìm một nguồn tài chính bền vững đang ngày càng cấp thiết. Với yêu cầu này, các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang được dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh - xã hội - bền vững (GSS), cổ phiếu xanh, thị trường Carbon cũng như tín dụng xanh.

Môi trường pháp lý hiện nay đang tương đối mở với các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc triển khai tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết hơn.

Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh

Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm, trong đó có 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Tại Kế hoạch này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tài chính xanh đã và sẽ là một nội dung hay trong bối cảnh chung của thị trường tài chính, đặc biệt việc này đặt trong lộ trình của Việt Nam khi thực hiện các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi hiệu quả cần phải được hướng dẫn rõ và cụ thể hơn nữa trong các quy định pháp luật.

Ông Thăng đưa ra ví dụ, khái niệm xanh có thể không chỉ là “green” mà cả “blue”, hàm ý là cần phải quan tâm cả yếu tố môi trường biển, để hướng tới một cách hiểu rộng hơn. Ngoài ra, trong vấn đề tài chính xanh, yếu tố về chi phí huy động vốn là rất quan trọng, và với quan điểm này, ông Thăng đặt vấn đề cần phải xem xét lại các quy định hiện có về các lĩnh vực ưu tiên về vốn: Ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay có thể thêm một lĩnh vực có yếu tố “xanh”, đồng thời nguồn hỗ trợ lãi suất cũng có thể trích ngay từ thuế bảo vệ môi trường.

Liên quan đến việc tận dụng các nguồn vốn giá rẻ, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB cho biết, cần phải đẩy nhanh các quy trình thủ tục phê duyệt dự án. Thực tế cho thấy các tổ chức quốc tế lớn như WB, ADB họ đều có những nguồn vốn lớn huy động chi phí thấp để đầu tư các dự án, nhưng nếu quy trình thủ tục cho các dự án kéo dài và phức tạp thì có thể họ sẽ bỏ cuộc chuyển vốn sang đầu tư nước khác./.