bay

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - một trong những DN có tỷ lệ thoái vốn cao trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, vẫn còn lo có sự dồn ứ và chưa thống nhất một đầu mối cụ thể.

Gánh nặng cho 4 tháng cuối năm

Theo ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn đạt 60 nghìn tỷ đồng, trong 6 tháng cuối năm Bộ này đã đưa vào kế hoạch tổng giá trị thoái vốn 19.779 tỷ đồng (tính theo mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần, cổ phiếu). Nếu tính sơ bộ theo giá trị niêm yết trên sàn tại thời điểm 10/7/2017 có thể đạt hơn 29.000 tỷ đồng. Nguồn thu dự kiến để đạt mục tiêu này là bán vốn tại 161 DN.

Như vậy, với chỉ hơn 4 tháng còn lại trong năm, trung bình mỗi tháng phải bán vốn tại hơn 40 DN. Nghĩa là, nếu trừ ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, mỗi ngày phải bán vốn tại 2 DN với lượng cổ phần bán không hề nhỏ. Nhất là, có nhiều DN lớn và tỷ lệ thoái vốn cao như: Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam – VINAINCON (30%), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM (22,47%), Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp – MIE (25%), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (20%), Tổng công ty CP Sông Hồng (35%), Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng – DIC (49,65%), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (47,8%), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 – FICO (40,08%), Tổng công ty Xây dựng số 1 – CC1 (40,53%)...

Đây là một chỉ tiêu không dễ thực hiện, bởi việc triển khai thoái vốn phải tiến hành nhiều thủ tục như thuê tư vấn xác định giá khởi điểm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn... Ngoài ra, việc thoái vốn tại các DN lớn cuối năm 2017 gồm Vinamilk, Sabeco theo kế hoạch riêng sẽ tạo nguồn cung lớn ra thị trường chứng khoán.

Cần thống nhất một đầu mối

Theo dự thảo hiện có 3 bộ, ngành làm đầu mối, chủ trì trong vấn đề thoái vốn. Theo đó, Văn phòng Chính phủ chủ trì rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định Danh mục thoái vốn theo từng năm. Bộ Tài chính chủ trì theo dõi, đôn đốc và giám sát tình hình thoái vốn nhà nước và định kỳ hàng quý, năm tổng hợp kết quả thoái vốn trên phạm vi cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm hàng năm thực hiện rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục...

Việc quy định phân tán này sẽ có những tác động không mong muốn, có thể một số vấn đề các bộ, ngành có ý kiến khác nhau, làm chậm tiến độ thực hiện. Chẳng hạn, theo dự thảo Danh mục DN thoái vốn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ: “Xem xét cho phép các địa phương được giữ lại tiền thu từ thoái vốn tại các DN do địa phương thành lập trước đây, để phục vụ các dự án đầu tư phát triển của địa phương”. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là động lực để các địa phương chủ động thực hiện đẩy nhanh tiến độ thoái vốn.

Trong lúc đó, trả lời kiến nghị của UBND TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đề nghị được giữ lại nguồn thu này để thực hiện các dự án đầu tư công, Bộ Tài chính đã có các công văn gửi Văn phòng Chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng khác. Theo đó, để bảo đảm cân đối ngân sách trung ương đã xác định trong kế hoạch tài chính 2016 - 2020, Bộ Tài chính đã đề nghị TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội chuyển tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN để chuyển vào ngân sách nhà nước. Theo Bộ Tài chính, việc chuyển tiền này vừa đúng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và Nghị quyết của Quốc hội. Chính vì có quan điểm còn khác nhau này, nên một số địa phương thường xin giữ lại, trì hoãn nộp về Quỹ và nguồn thu ngân sách từ tái cơ cấu DN nhà nước sẽ khó đạt.

Do vậy, theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần giao 1 đơn vị làm đầu mối chủ trì vấn đề thoái vốn để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Được biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện dự thảo quyết định xử lý vấn đề này, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Theo ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 375 DN còn vốn nhà nước. Số này chưa tính các DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP. Hồ Chí Minh, SCIC. Tổng vốn nhà nước tại các DN là 108.502 tỷ đồng (tính theo mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần, cổ phiếu). Tổng số vốn dự kiến thoái trong cả giai đoạn 2017 - 2020 là 64.457 tỷ đồng. Những DN có quy mô vốn lớn có thể thực hiện thoái vốn thành một số đợt. Tuy nhiên, tỷ lệ thoái vốn mỗi đợt phải ở mức từ 20% - 36% tổng số vốn cần thoái để tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đối với DN sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trường hợp cần thiết, Nhà nước chỉ nắm giữ tối đa 51% vốn điều lệ. Đối với DN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương và phục vụ chiến lược ngành, Nhà nước chỉ nắm giữ tối đa 36% vốn điều lệ.

Hà Minh