PV: Từ cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam (VNX). Từ thời điểm đó đến nay, xin ông cho biết về một số công tác chuẩn bị để VNX đi vào hoạt động? Đâu là các nhiệm vụ trọng tâm mà VNX đang triển khai?
Ông Nguyễn Thành Long: Ngày 23/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở GDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở GDCK Hà Nội (HNX), Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE ). Ngay sau khi quyết định này có hiệu lực, cuối tháng 3/2021, VNX đã có những nhân sự quản lý đầu tiên. Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Tài chính, VNX từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, kiện toàn mô hình hoạt động và nhân sự tại các công ty con để chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 6/8/2021. Dù bộ máy nhân sự còn đang trong quá trình hoàn chỉnh, song VNX đã và đang triển khai đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ của mình, bảo đảm thị trường tiếp tục được vận hành ổn định và không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi cơ cấu tổ chức vận hành thị trường.
Ông Nguyễn Thành Long |
Một trong những nhiệm vụ chính của VNX đó là xây dựng cơ chế, quy chế về tổ chức thị trường. Theo đó, VNX đang xây dựng hàng chục quy chế cho các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán trên cả ba mảng thị trường (cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh). Cụ thể là các quy chế về niêm yết và quản lý niêm yết; quy chế giám sát và các tiêu chí giám sát giao dịch; quy chế về quản lý thành viên; quy chế về công bố thông tin… Một số dự thảo quy chế đã được báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và trong thời gian tới, sau khi được phê duyệt chúng tôi sẽ ban hành để triển khai ngay.
VNX đi vào hoạt động chính thức sẽ thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, hỗ trợ thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả, bền vững hơn. |
Bên cạnh việc xây dựng các quy chế nghiệp vụ, VNX cũng đã xây dựng kế hoạch để sắp xếp lại các mảng thị trường theo lộ trình, quy định tại Thông tư 57/2021/TT-BTC. Trước mắt, chúng tôi đã hoàn tất Kế hoạch sắp xếp lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hiện kế hoạch này cũng đã được báo cáo để UBCKNN phê duyệt và dự kiến sẽ triển khai ngay trong năm 2021.
Cũng ngay trong tháng 11, VNX sẽ sớm thành lập Hội đồng chỉ số thị trường. Nhiệm vụ của hội đồng sẽ tham mưu, tư vấn cho VNX xây dựng các bộ chỉ số thị trường mới và quy hoạch lại gần 50 bộ chỉ số hiện nay đang được vận hành. Mục đích là tạo ra những bộ chỉ số đa dạng, có tính đại diện cao để phản ánh tốt hơn biến động của thị trường. Trong số các bộ chỉ số đó, một số nhằm mục tiêu chỉ báo biến động thị trường và một số có thể sử dụng làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm phái sinh sau này, cũng như các sản phẩm quỹ đầu tư. Tuy nhiên, khung pháp lý để đa dạng hóa các sản phẩm mới cần thiết phải được mở rộng. Chúng tôi mong rằng, cơ quan quản lý sớm dự thảo các văn bản hướng dẫn về các sản phẩm phái sinh khác như hợp đồng tương lai cổ phiếu, các loại hình quyền chọn… để triển khai trong giai đoạn tới.
Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là thiết lập cơ chế giám sát mới, bổ sung cho cơ chế giám sát hiện tại ở các sở con. Về lâu dài, chúng ta cần thiết lập hệ thống giám sát đa tầng, đa lớp, bọc lót cho nhau, đặc biệt là công tác giám sát liên thị trường, liên sản phẩm. Triết lý giám sát cũng cần phải được cập nhật, hiện đại hóa cho phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất phức tạp của các sản phẩm và cơ chế giao dịch mới. Việc giám sát sử dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo… là mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi; từng bước đưa thị trường giao dịch tiệm cận với thông lệ quốc tế tốt nhất trong hoạt động giám sát.
Mô hình tổ chức hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. |
Nhiệm vụ thứ ba là hoạch định chiến lược phát triển VNX theo thông lệ tốt quốc tế; từng bước nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của sở; tiến tới hình thành các đơn vị thành viên chuyên nghiệp hóa, chuyên biệt hóa trong mọi lĩnh vực hoạt động của công tác tổ chức thị trường. Các đơn vị có thể được chuyên nghiệp hóa theo các tiêu chí về sản phẩm giao dịch và chuyên biệt hóa theo chức năng hoạt động. Theo một số thông lệ quốc tế, thì không những các mảng thị trường có thể được phân tách thành các đơn vị tổ chức thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh tài chính, phái sinh hàng hóa…; mà thậm chí các chức năng cũng có thể được phân tách thành các trung tâm, đơn vị độc lập.
PV: Việc ra đời của VNX được cho là một dấu mốc quan trọng trong công tác tái cơ cấu thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Vậy vai trò của VNX sẽ thể hiện như thế nào trong việc phát triển TTCK ổn định, hiệu quả và bền vững, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Long: VNX được thành lập nhằm thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch; tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng tham gia thị trường; góp phần nâng hạng TTCK Việt Nam; nâng cao sức cạnh tranh, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Song song với việc triển khai ổn định cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động, trước mắt VNX đang tập trung xây dựng, ban hành các quy chế niêm yết, giao dịch, công bố thông tin, giám sát giao dịch, quy chế thành viên và các quy chế nghiệp vụ có liên quan khác để áp dụng chung cho cả HOSE và HNX. Điều này nhằm đảm bảo thống nhất cơ chế quản lý vận hành, giám sát thị trường, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi tiếp cận thị trường, góp phần tăng tính thanh khoản và hiệu quả hoạt động của TTCK Việt Nam. Sau khi các quy chế được ban hành, mọi tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế giao dịch ví dụ như lô giao dịch, biên độ dao động giá; tiêu chí giám sát; trình tự, thủ tục hồ sơ cấp phép niêm yết; cơ chế quản lý, cảnh báo, kiểm soát đối với chứng khoán giao dịch… sẽ được thống nhất và tiệm cận thông lệ quốc tế tốt. Những khác biệt tồn tại hiện nay giữa hai sở sẽ hoàn toàn được xóa nhòa. Điều này một phần không chỉ do cơ chế chính sách, mà chúng ta có thể làm được do hiện nay cả HNX và HOSE đều đã đang vận hành các nền tảng hệ thống giao dịch giống nhau.
VNX cũng tập trung chỉ đạo HOSE và HNX triển khai sắp xếp lại các thị trường giao dịch theo lộ trình quy định tại Thông tư số 57/2021/TT-BTC, nhằm phân định rõ 3 khu vực chính, gồm: cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Việc sắp xếp lại các thị trường và thống nhất trong cơ chế quản lý, giám sát sẽ giúp các Sở con tập trung vào chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động, phát huy vai trò của TTCK trong nền kinh tế.
VNX sẽ góp phần phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. |
Ngoài ra, trong công tác giám sát giao dịch, VNX sẽ ban hành bộ tiêu chí giám sát thống nhất trong vai trò của mình. Việc tăng cường công tác giám sát sẽ góp phần đảm bảo thị trường vận hành an toàn, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, VNX sẽ là đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển hệ thống công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm mới, chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất cho cả 2 sở con. Điều này sẽ góp phần phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin hiện đại cho thị trường, thống nhất cơ sở dữ liệu chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia thị trường, tạo khả năng kết nối với các TTCK khu vực và thế giới.
PV: Có thể thấy việc VNX thành lập đang nhận được nhiều kỳ vọng lớn. Ông có thể cho biết, kim chỉ nam trong hoạt động của VNX thời gian tới là gì?
Ông Nguyễn Thành Long: Mục tiêu cốt lõi, kim chỉ nam trong hoạt động của VNX là cùng các công ty con thực hiện chức năng tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo quy định. Điều đó góp phần đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán tại Sở được tiến hành công khai, công bằng, trật tự, an toàn, hiệu quả; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia.
Định hướng trọng tâm của VNX là đảm bảo gắn liền hoạt động của mình với Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam, gắn liền vai trò của VNX với tính đại diện của thị trường; chú trọng phát triển TTCK theo hướng an toàn, ổn định, hiệu quả, bền vững, công khai, minh bạch,… hướng tới phát triển tài chính xanh, chứng khoán xanh; tăng cường mở cửa hội nhập, liên kết với các thị trường khu vực và thế giới, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Riêng trong giai đoạn trước mắt, VNX sẽ kiện toàn bộ máy hoạt động, hoàn thiện và sớm ban hành các quy chế hoạt động nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch kinh doanh hàng năm, giám sát các công ty con thực hiện các quy chế hoạt động nghiệp vụ, giám sát chung hoạt động giao dịch chứng khoán trên các sở theo quy định của pháp luật...
PV: Xin cảm ơn ông!
VNX đóng góp quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tương đối hoàn thiện về cấu trúc, quy mô được mở rộng, hàng hóa đa dạng, chất lượng được nâng cao, khung pháp lý cơ bản đầy đủ, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, vững chắc. Chặng đường sắp tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn về chiều sâu, nâng cao chất lượng, tính thanh khoản; tăng cường mở cửa và hội nhập, liên kết với các thị trường khu vực và thế giới; tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, sớm nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao mang tầm vóc khu vực, toàn cầu. Với vai trò là đơn vị đầu mối tổ chức và vận hành hoạt động giao dịch chứng khoán, VNX sau khi kiện toàn xong và hoạt động chính thức sẽ có đóng góp quan trọng trong việc phát triển thị trường chứng khoán . Thông qua việc sắp xếp lại có hiệu quả các thị trường giao dịch chứng khoán, thống nhất cơ chế, phương thức giao dịch, phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, hoạt động của VNX sẽ góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong chặng đường sắp tới. |