Tiếp tục sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi Phương án chuyển đổi các dòng thuế trong Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi Đề xuất sửa biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi cho phù hợp thực tiễn

Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu

Trên thực tế, mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu MFN quy định tại các nghị định đảm bảo phù hợp với cam kết cắt giảm thuế quan trong WTO và các cam kết quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam là thành viên; tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Điều 11 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; đảm bảo duy trì lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện quy định về Biểu thuế xuất nhập khẩu góp phần ổn định vĩ mô
Thực hiện quy định về Biểu thuế xuất nhập khẩu đã hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước sản xuất được. Ảnh: TL.

Ngoài ra, việc thực hiện các nghị định về biểu thuế đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy xuất khẩu; hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Nhờ đó, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Điểm lại các con số thống kê cho thấy, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 282,4 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 262,7 tỷ USD. Đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 335,5 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 299,8 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2020.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020-2021, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN của một số nhóm mặt hàng quan trọng, thiết yếu như thép, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, lúa mỳ, ngô, thịt lợn, trang thiết bị y tế... đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và sự tăng giá liên tục của những hàng hóa này trên thị trường trong nước và thế giới.

Việc giảm thuế nhập khẩu MFN các mặt hàng thiết yếu này nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ dư luận. Đây là một trong những gói tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp một cách thiết thực, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Hỗ trợ công nghiệp ô tô, cơ khí

Thời gian qua, thực hiện các nghị định về biểu thuế cũng đã kịp thời cụ thể hóa các quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ (CNHT), công nghiệp ô tô, cơ khí. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô và Chương trình ưu đãi thuế đối với CNHT ngành công nghiệp ô tô từ năm 2018 đến nay đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước.

Kết quả thực hiện các chương trình này đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành và các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hàng rào bảo hộ về thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc dần xóa bỏ do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan theo các FTA thành lập các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương.

Theo Bộ Tài chính, thông qua việc kịp thời điều chỉnh các mức thuế suất đối với nhóm tài nguyên, khoáng sản như đá, clanhke, vàng... đã góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đồng thời, đã hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô, khoáng sản chưa qua chế biến, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng, chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu mới xuất phát từ thực tiễn phát triển của đất nước cũng như để tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế, cần thiết phải rà soát để ban hành nghị định mới để thay thế cho 4 nghị định: Nghị định số 122/2016/NĐ-CP; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.

Do đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định mới và đang xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ký ban hành.

Được biết, tại dự thảo nghị định mới này, sẽ sửa một số quy định nhằm, đảm bảo phù hợp với Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 đã được các nước ASEAN thông qua; sửa đổi, bổ sung một số nội dung để khắc phục một số bất cập phát sinh; góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa biểu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan hải quan./.