Sức ép gia tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, các mục tiêu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 về cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, cũng có chỉ tiêu không đạt mục tiêu, trong đó có chỉ tiêu nợ xấu do nguyên nhân khách quan từ dịch Covid-19 gây ra. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý, bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Tìm đường gỡ khó cho ngân hàng “vượt cạn”

Thời gian dịch Covid-19 diễn ra, các ngân hàng đã xử lý tái cơ cấu nhiều khoản nợ cho các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2021 ghi nhận là 1,9%, theo đó đã có xu hướng tăng so với mức 1,69% của năm 2020. Con số nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ lên tới 3,79%.

Đặc biệt, thời gian dịch Covid-19 diễn ra, các ngân hàng đã xử lý tái cơ cấu nhiều khoản nợ cho các khách hàng bị khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc xử lý thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Thông tư 01 sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN vào tháng 4/2021 và tiếp tục sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN vào tháng 9/2021. Các thông tư 03 và 14 đã có những điều chỉnh với các quy định phù hợp hơn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là thời điểm đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ tháng 4/2021 đến nay.

Theo đại diện NHNN Việt Nam, nếu tính đầy đủ cả con số nợ có thể cũng trở thành nợ xấu nếu không thực hiện giãn, hoãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (theo các Thông tư 01, 03, 14) thì tỷ lệ nợ xấu thậm chí có thể lên đến 8,2%. Tuy nhiên, đây là yếu tố khách quan của nền kinh tế và bối cảnh dịch bệnh, không ai mong muốn, nhiều khách hàng gặp phải khó khăn thực sự chứ không phải do vi phạm.

Theo TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Học viên Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh nếu còn tiếp tục diễn biến phức tạp thì nợ xấu thậm chí còn có thể gia tăng hơn nữa, nếu khách hàng gặp khó khăn không trả được nợ và hệ quả của việc đó có thể gây áp lực lớn cho ngành ngân hàng. Theo đó, việc duy trì chính sách hoãn, giãn nợ vẫn cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình của dịch bệnh trong thời gian tới để có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế.

Tìm giải pháp “giảm tải”

Hiện tại các ngân hàng đang phải đối diện với khá nhiều gánh nặng, đặc biệt, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN và Thông tư 08/2020/TT-NHNN.

Ông Châu Đình Linh cho biết, NHNN cũng nên cân nhắc điều chỉnh lại các mốc thời gian mà các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo Thông tư 22 và 08. Bởi lẽ, các mốc thời gian đưa ra tại Thông tư 22 là trong bối cảnh nền kinh tế đang diễn ra bình thường. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế vừa trải qua giai đoạn không bình thường như trong năm 2021 do dịch bệnh thì sẽ cần có sự nới lỏng thời gian hơn để giảm bớt áp lực cho các ngân hàng.

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra giám sát, NHNN Việt Nam cho biết, lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được đưa ra tại quy định trong Thông tư 22 từ năm 2019, thời điểm đó các hoạt động kinh tế bình thường chưa có dịch bệnh. Năm 2020, NHNN đã có Thông tư 08 để giãn thời gian thực hiện hơn so với quy định tại Thông tư 22. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh của năm 2021 cũng đã phức tạp hơn, khác nhiều so với năm trước và ý tưởng đề xuất giãn thời gian hơn cũng là một gợi ý để NHNN xem xét, nhưng việc quyết định ra sao cũng phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo mục tiêu an toàn hệ thống và phù hợp tình hình thực tế.

Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như sau:

Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%;

Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%;

Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%;

Từ ngày 1/10/2023: 30%.

Thông tư 08/2020/TT-NHNN chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020.