Cụ thể hơn về các khoản thu hút đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2022, báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp (DN) trong nước, toàn địa bàn thu hút được 2,21 tỷ USD, tăng 55,2% (so với cùng kỳ năm 2021).

Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phục hồi thu hút sự quan tâm của nhiều dòng vốn ngoại tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ảnh Đỗ Doãn
Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phục hồi đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều dòng vốn ngoại tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ảnh Đỗ Doãn

Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 304 dự án, với vốn đăng ký 231,1 triệu USD. Trong số này, hoạt động thông tin và truyền thông có 68 dự án, vốn đăng ký 101,4 triệu USD, chiếm 43,8% vốn đăng ký cấp mới; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 124 dự án, vốn đăng ký 59,2 triệu USD, chiếm 25,6%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 81 dự án, vốn đăng ký 22,3 triệu USD, chiếm 9,6%.

Nếu phân nhà đầu tư nước ngoài theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore dẫn đầu với 54 dự án, vốn đăng ký 108,1 triệu USD, chiếm đến 46,8%; kế đến là Nhật Bản 36 dự án, vốn đăng ký 38,4 triệu USD, chiếm 16,6%; Hàn Quốc 42 dự án, vốn đăng ký 32,6 triệu USD, chiếm 14,1%.

Ngoài các dự án đầu tư nước ngoài mới, đáng chú ý có 68 lượt dự án được cấp phép từ nhiều năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm gần 1,4 tỷ USD, tức tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 11 dự án, vốn đăng ký 852,6 triệu USD; hoạt động thông tin và truyền thông có 5 dự án, vốn đăng ký 256,3 triệu USD. Singapore là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt hơn 1,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chấp thuận cho 1.166 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước với vốn góp 605,1 triệu USD. Trong số này, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có số vốn góp 241 triệu USD, chiếm 39,8%; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp 135 triệu USD, chiếm 22,3%; hoạt động kinh doanh bất động sản 86,3 triệu USD, chiếm 14,3%. Hàn Quốc và Singapore là hai quốc gia có tỷ trọng cao, lần lượt chiếm 31,4% và 22,7%.

Được biết, tính đến hết ngày 20/6/2022, toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 10.726 dự án của nhà đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 55,2 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam đã và đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 bất chấp tình trạng bất định trên toàn cầu gia tăng. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu dùng phục hồi khi sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ổn định, hoạt động du lịch nhộn nhịp trở lại, xuất khẩu tăng tốc, tín dụng tăng trưởng ổn định hỗ trợ vốn tích cực cho nền kinh tế… đã thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.