Tránh lãng phí cơ hội điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu
Giá cả thị trường cơ bản ổn định trong nửa đầu năm 2024. Ảnh tư liệu minh họa

Lạm phát không vượt quá mục tiêu đề ra

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, trong nửa đầu năm 2024, giá cả thị trường cơ bản ổn định. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 2,78%.

Mỗi tháng còn dư địa CPI tăng 0,39 - 0,6%

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 7 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,39 - 0,6% để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% - 4,5% theo mục tiêu đề ra.

Dự báo giá cả thị trường thời gian tới, theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, như: Giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện. Áp lực đến từ giá điện, tại báo cáo Ban Chỉ đạo quý I, Bộ Công thương kiến nghị trong năm 2024 cần xem xét việc điều chỉnh giá mặt hàng này, nhưng hiện chưa đề xuất phương án cụ thể. Giá vé máy bay trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh chung của giá vé máy bay thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, giá một số mặt hàng nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng như: Giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khả năng có thể vẫn duy trì được mức cao trên thị trường thế giới; giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp...

Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố góp phần giảm áp lực lạm phát, như: Lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2024 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”; sản xuất nông nghiệp trong nước được kỳ vọng tiếp tục diễn biến thuận lợi, giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng, giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ...

Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72-4,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8%-4,5%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4-4,5% và có thể lên 4,6% nếu có nhiều yếu tố bất lợi xảy ra cùng lúc.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 7 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,39 - 0,6% để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5% theo mục tiêu đề ra.

Cuối tháng 6 phải trình phương án giá điện

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là. Đặc biệt đối với 3 mặt hàng là giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục, các bộ quản lý phải có kịch bản điều hành giá, trong đó đánh giá mức độ, thời gian điều chỉnh.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản chỉ đạo điều hành và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại các thông báo kết luận họp Ban Chỉ đạo định kỳ. Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, phải đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Chỉ đạo tại cuộc họp, hạn chót được Phó Thủ tướng đưa ra là hết tháng 6 phải có kịch bản điều hành giá, trong đó có thời điểm, mức độ điều chỉnh giá 3 mặt hàng đó là: giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục. Trên cơ sở đề xuất, Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ cân nhắc, cho ý kiến. "Không đảm bảo thời gian và nếu để tác động đến CPI, các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm”- Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhiều lần nhắc nhở các bộ, ngành phải sớm có kịch bản đối với giá do bộ, ngành mình quản lý, tránh cùng đề xuất tăng giá vào một thời điểm, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trong năm ngoái, dù còn dư địa nhưng một số bộ, ngành đã không chủ động đề xuất sớm, làm lỡ nhịp điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo lộ trình./.