Giá điện tăng có tác động tới chỉ số giá tiêu dùng?
Tiết kiệm sử dụng điện để giảm áp lực tăng giá là giải pháp quan trọng lúc này. Ảnh minh họa

Giá điện tăng tác động tới CPI

Từ ngày 10/5/2025, giá bán lẻ điện bình quân (giá điện) chính thức tăng từ 2.103,11 đồng/kWh lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương mức tăng 4,8% theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

EVN cho biết, mức tăng lần này được cân nhắc kỹ trên cơ sở biến động chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) và chi phí tiền điện phải trả của người dân. Từ đó, mỗi hộ gia đình sẽ phải trả thêm từ 4.350 đồng - 62.150 đồng/tháng.

Theo phân tích của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% sẽ tác động trực tiếp lên CPI năm 2025 khoảng 0,09%. Trong cơ cấu tính CPI, nhóm điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng xấp xỉ 4% và được tính riêng theo lượng tiêu thụ của các hộ. Mức tăng giá điện không lớn nhưng lại ảnh hưởng lan tỏa đến giá dịch vụ vận tải, logistics và một số ngành cần nhiều điện phục vụ vận hành máy móc. Ví dụ, chi phí vận chuyển hàng hóa đường bộ có thể tăng nhẹ khi doanh nghiệp vận tải phải bù đắp chi phí nhiên liệu và điện cho kho bãi, bến bãi.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp – thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó tăng giá thành của hàng hóa và dịch vụ kéo theo sự gia tăng giá cả hàng hóa. Giá điện tăng cũng sẽ làm chi phí sinh hoạt của người dân tăng lên. Đồng thời, giá điện tăng sẽ đẩy chỉ số CPI tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Đồng quan điểm, PGS, TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, theo ước tính, đợt tăng giá điện lần này sẽ khiến chỉ số CPI tăng khoảng 0,09%, tuy chưa tạo cú sốc tức thì nhưng việc giá điện được điều chỉnh theo quý cho thấy nguy cơ tích tụ áp lực lạm phát là rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng khác cũng đang trên đà tăng.

Cần kiểm soát biến động giá cả hàng hóa

Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), điện là năng lượng đầu vào thiết yếu của sản xuất nên sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên CPI mà còn tác động gián tiếp, lan toả thông qua tăng giá các mặt hàng khác sử dụng điện. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần kiểm soát biến động giá cả hàng hóa, kiểm soát hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng giá hàng hóa theo giá điện. Ngoài ra, cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch và tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ chi phí cấu thành nhưng không tạo ra "cú sốc" về giá cho người dân và nền kinh tế.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Ngô Trí Long cũng khẳng định, giá điện không chỉ là công cụ tài chính hay đầu vào sản xuất mà là yếu tố then chốt trong điều hành vĩ mô, ổn định đời sống và định hướng phát triển bền vững. Vì vậy, cần có cái nhìn toàn diện và dài hạn trong điều hành giá điện. Chỉ khi đi cùng cải cách thể chế thị trường điện, tăng cường minh bạch chi phí và phát triển nguồn điện sạch, ổn định - việc tăng giá điện mới trở thành bước tiến cần thiết, thay vì trở thành “gánh nặng luân chuyển” giữa các chủ thể trong nền kinh tế.

“Mọi điều chỉnh giá điện, dù là nhỏ, đều cần đặt trong tổng thể cân bằng giữa mục tiêu thị trường, khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu chuyển dịch năng lượng” - ông Long nói.

Cùng với việc điều chỉnh lộ trình giá điện phù hợp, theo các chuyên gia, tiết kiệm sử dụng điện để giảm áp lực tăng giá cũng là giải pháp quan trọng lúc này.

"Hiến kế" để có thể giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện, TS. Lê Quốc Phương cũng chia sẻ, doanh nghiệp và người dân cần triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện. Ngành điện lực cần thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí thường xuyên, chi phí sửa chữa, vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, huy động tối đa nguồn điện giá rẻ.

Ở góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Hải (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn thì giá điện lại điều chỉnh, dẫn tới hóa đơn tiền điện thường tăng. Vì vậy, "chúng tôi sẽ phải sử dụng điện tiết kiệm và điều chỉnh mức dùng hợp lý từ việc mua, sử dụng thiết bị điện trong nhà" - bà Hải nói.

Thực tế, lạm phát đầu vào đang chịu nhiều áp lực từ giá dầu thế giới và chi phí nguyên liệu sản xuất toàn cầu. Khi CPI chịu thêm lực đẩy từ giá điện, Ngân hàng Nhà nước có thể cần theo dõi sát diễn biến lạm phát qua từng tháng để điều chỉnh lãi suất phù hợp, nhằm tránh kịch bản lạm phát “ăn mòn” sức mua của người dân. Tuy vậy, với mục tiêu kiểm soát CPI cả năm dưới 4%, đà tăng 0,09% từ điện hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát nếu các bộ, ngành phối hợp hiệu quả trong bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Phấn đấu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 điều chỉnh do Bộ Công thương mới đây, quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước. Điện thương phẩm năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu, năm 2030 đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỷ kWh…