Trung Quốc hạ lãi suất cho vay để thúc đẩy nền kinh tế
Các ngân hàng Trung Quốc trong ngày 20/6 đã theo chân Ngân hàng Trung ương bằng cách hạ lãi suất cho vay, mặc dù mức giảm tương đối khiêm tốn đối với lãi suất tham chiếu thế chấp khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Lãi suất 1 năm và 5 năm cùng giảm 10 điểm cơ bản

Đợt nới lỏng tiền tệ mới nhất diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi sau đại dịch có dấu hiệu mất đà tăng trưởng như trong quý đầu tiên của năm 2023.

Theo đó, lãi suất cơ bản cho vay 1 năm (LPR) đã giảm 10 điểm cơ bản xuống 3,55%, trong khi lãi suất tương đương 5 năm giảm từ 4,3% xuống 4,2%.

Julian Evans-Pritchard - Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Econom cho biết: “Đợt cắt giảm này sẽ làm giảm chi phí của các khoản vay mới, cũng như các khoản thanh toán lãi cho các khoản vay hiện có. Qua đó, sẽ cung cấp một số hỗ trợ khiêm tốn cho hoạt động kinh tế, nhưng không có khả năng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tăng tốc mạnh do nhu cầu tín dụng yếu".

Trong hai lãi suất điều hành được cắt giảm lần này, mức cắt giảm lãi suất 5 năm được các nhà đầu tư nhận định là thấp hơn nhiều so với dự kiến. Mặc dù điều đó phù hợp với việc giảm lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vào tuần trước, nhưng một số nhà kinh tế đã dự đoán mức giảm lớn hơn 15 điểm cơ bản trong lãi suất 5 năm, một tham chiếu cho các khoản thế chấp, để hỗ trợ thị trường nhà ở đang ốm yếu.

Ngay sau thông báo, Chỉ số Hang Seng Mainland Properties đã giảm 3,61%, nhanh hơn mức giảm của Chỉ số Hang Seng chuẩn. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá tới 0,25% và thị trường chứng khoán châu Á nói chung cũng giảm theo. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm hai điểm cơ bản xuống 2,68%.

Tuần này, Citigroup Inc. cùng với các ngân hàng đầu tư Phố Wall khác đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Các nhà kinh tế của Citi hiện kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng 5,5% trong năm 2023, giảm so với ước tính trước đó là 6,1%.

Citi cho rằng niềm tin yếu ớt của các hộ gia đình, công ty và nhà đầu tư có nguy cơ gây thêm gánh nặng cho sự phục hồi kinh tế đang chậm lại.

Vào tuần trước PBOC đã hạ lãi suất chính sách ngắn và trung hạn.

Lãi suất cơ sở cho vay trung hạn (MLF) đóng vai trò là kim chỉ nam cho LPR và các thị trường hầu hết coi lãi suất trung hạn là tiền thân của bất kỳ thay đổi nào đối với tiêu chuẩn cho vay dài hạn.

Xing Zhaopeng - Chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ cho biết, việc cắt giảm kỳ hạn 5 năm thấp hơn dự kiến cho thấy các nhà chức trách cảnh giác với việc sử dụng thị trường bất động sản như một hình thức kích thích ngắn hạn, điều này có thể tạo ra rủi ro bong bóng mới.

“Điều đó cho thấy chính sách vẫn ưu tiên cho nền kinh tế mới và sẽ chỉ đảm bảo nền kinh tế hạ cánh nhẹ nhàng hơn là tái kích thích” - Xing nói. Xing cũng cho biết thêm, động thái kích thích kinh tế mới có thể kết hợp các biện pháp ngắn hạn và cải cách dài hạn, dự kiến sẽ được chính quyền Trung Quốc công bố trong những tuần tới.

Động lực chưa đủ để đảo ngược đà tăng trưởng

Trước đó, nội các Trung Quốc đã họp vào cuối tuần trước (16/6) để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cam kết hỗ trợ nhiều chính sách hơn.

Trung Quốc hạ lãi suất cho vay để thúc đẩy nền kinh tế
Các nguồn tin cho biết, chính phủ Trung Quốc đang xem xét thêm các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực nhà ở. Ảnh: Reuters

"Nhiều biện pháp chính sách khác có thể được triển khai riêng biệt, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đối với LPR từ nay đến cuối năm và các biện pháp nới lỏng chính sách với tài sản để cắt giảm tỷ lệ thanh toán hoặc lãi suất thế chấp, cũng như một số hình thức hỗ trợ tiêu dùng" - các nhà phân tích thuộc bộ phận nghiên cứu toàn cầu của BofA cho biết trong một báo cáo.

"Việc nới lỏng lãi suất cận biên như vậy có thể sẽ giúp ngăn tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, nhưng sẽ không thể tạo ra động lực mạnh mẽ để đảo ngược đà tăng trưởng trượt dốc trong tương lai gần" – báo cáo của BofA cho biết, đồng thời hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống 5,7%, từ mức 6,3% trước đó.

Một số ngân hàng đầu tư toàn cầu cũng đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2023 của Trung Quốc sau khi dữ liệu tháng 5 cho thấy sự phục hồi đang chững lại.

Bruce Pang - Kinh tế trưởng và Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc đại lục tại Jones Lang LaSalle cho biết: “Vẫn có khả năng cắt giảm thêm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong thời gian còn lại của năm nay” và "không cần phải triển khai tất cả các biện pháp chính sách cùng một lúc".

LPR, lãi suất mà các ngân hàng thường tính cho các khách hàng tốt nhất của họ, được thiết lập bởi 18 ngân hàng được chỉ định gửi các mức lãi suất đề xuất cho ngân hàng trung ương hàng tháng, đã giảm lần cuối vào tháng 8/2022.

Hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa trên LPR một năm, trong khi lãi suất 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp. Lần cuối cùng Trung Quốc cắt giảm cả hai LPR là vào tháng 8/2022 để thúc đẩy nền kinh tế.

Ken Cheung - Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank Ltd cho biết: “Việc cắt giảm 10 điểm cơ bản trong LPR 5 năm có một chút thất vọng đối với những người đầu cơ giá lên của Trung Quốc, những người đang tìm kiếm các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó khăn”.

Cũng trong ngày 20/6, PBOC đã bơm ròng 180 tỷ Nhân dân tệ thông qua hoạt động thị trường mở, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3, để duy trì thanh khoản liên ngân hàng dồi dào.

Dữ liệu chính thức gần đây cho thấy sự phục hồi sau khi mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc đang nhanh chóng mất đà, với thị trường bất động sản yếu kém là lực cản lớn đối với tăng trưởng. Các nguồn tin cho biết chính phủ Trung Quốc đang xem xét thêm các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực nhà ở, mặc dù thời điểm triển khai vẫn chưa rõ ràng./.