Ngày 19/8, tại Hà Nội, Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), Viện kinh tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ năm “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM5), theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, toàn cầu hóa tạo thành một quá trình phát triển tất yếu và mạnh mẽ như hiện nay là do sự tăng trưởng của thị trường tài chính toàn cầu, sự mở rộng liên kết kinh tế trên thế giới. Trong bối cảnh nền chính trị thế giới có nhiều cực, các công ty đa quốc gia ngày càng phát triển và không ngừng lớn mạnh, khoa học công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ ngày càng xóa đi khoảng cách trong mọi lĩnh vực hoạt động trên phạm vi toàn cầu.

Việc phát triển một cách hài hòa giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế, phát triển xã hội trên cơ sở công bằng xã hội; phát triển con người và khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ, cải thiện môi trường sống là vấn đề bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong những thập kỷ qua.

Hội nhập quốc tế góp phần nâng tầm thế và lực cho Việt Nam

Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, tiến trình hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng nâng tầm thế và lực cho Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân; tạo sức ép và điều kiện để tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế; nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm…

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các khu vực, giữa các quốc gia, giữa các tầng lớp xã hội trong mỗi quốc gia, dẫn đến xu hướng chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Cùng với đó đại dịch Covid-19 mặc dù cơ bản được kiểm soát nhưng hệ lụy là rất lớn và còn kéo dài. Các xung đột địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới gây nên đứt gãy các chuỗi cung ứng, làm suy giảm tổng cung, tăng mức giá của nhiều loại hàng hóa, vật tư, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia và khu vực.

Cục diện kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa các quốc gia… đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu. Những sự kiện, diễn biến trên đang có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số
GS. Naoyuki Yoshino - Giám đốc điều hành ADBI, tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

“Thực hiện chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, những năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt một tầm cao mới. Việt Nam là một phần của châu Á với sự trỗi dậy năng động, với nền kinh tế ngày càng mở, đa dạng và đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế số. Việt Nam được đánh giá là đối tác quan trọng trên mọi lĩnh vực, là nền kinh tế năng động, có môi trường đầu tư thân thiện, hệ thống chính trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đối ngoại và là nhân tố quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho hay.

Toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho nền kinh tế

Chia sẻ về công nghiệp hóa và mối quan hệ với toàn cầu hóa ở Việt Nam, ThS. Nguyễn Phương Huyền (Học viện Tài chính) cho biết, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại và khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việt Nam đang bị phi công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhờ các chính sách phù hợp và sự đầu tư trực tiếp từ các tập đoàn đa quốc gia, tình hình đã được cải thiện một cách cơ bản.

Toàn cầu hóa có thể có tác động không mong muốn đối với lĩnh vực sản xuất của các nước đang phát triển do đầu tư trực tiếp vào ngành công nghiệp không phù hợp hoặc xuất khẩu hàng hóa chính. Tuy nhiên, nhờ chính sách phát triển bền vững và thiết thực của Chính phủ, hầu hết các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đều hiệu quả và mang lại lợi ích không chỉ cho khu vực sản xuất mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.

Còn theo ThS. Nguyễn Thế Đức Tâm (Trường Đại học Kinh tế - Luật), nền kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh đương đại ra đời trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, nền kinh tế chia sẻ, đặc biệt là các nền tảng kết hợp, không bền vững do không thừa nhận các mối quan hệ lao động giữa các nền tảng và nhà cung cấp dịch vụ.

Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Do đó, các nền tảng kết hợp (chẳng hạn như các công ty gọi xe) phải đối mặt với những rắc rối pháp lý trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tính không bền vững của mô hình kinh doanh này không có lợi cho bất kỳ người tham gia nào.

“Các công ty dịch vụ gọi xe nên phân loại tài xế của họ như nhân viên của họ để cân bằng lợi ích của tất cả những người tham gia vào nền kinh tế chia sẻ. Hơn nữa, người lái xe phải được hưởng các quyền cơ bản, đặc biệt là mức lương tối thiểu theo luật định, giới hạn giờ làm việc tối đa và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp” - ThS. Tâm khuyến nghị.

Tại hội thảo, các chuyên gia trao đổi và thảo luận về vấn đề môi trường phát triển thực hành kế toán trong các doanh nghiệp Việt Nam; thuế thu nhập doanh nghiệp; tình hình hoạt động của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam; đánh giá tình hình quản trị công ty trong các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam…/.

117 bài viết có chất lượng đăng kỷ yếu hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 150 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Sau khi tổ chức tiến hành phản biện độc lập một cách nghiêm túc, ban tổ chức đã lựa chọn được 117 bài viết có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu của hội thảo để đăng kỷ yếu. Các gợi ý về nội dung trao đổi trong hội thảo và tổng hợp từ kết quả nghiên cứu ban đầu từ các bài viết khoa học đăng trong kỷ yếu, đã thể hiện rõ các vấn đề đặt ra cho thực tiễn phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa trước những thời cơ và cả những rào cản thách thức mới.