Xác thực sinh trắc học, thanh lọc các tài khoản “rác”
Từ 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng phải thực hiện xác thực khuôn mặt. Ảnh tư liệu.

Chuyển tiền giá trị lớn phải xác thực khuôn mặt

Các quy định mới về xác thực khi chuyển tiền được thực hiện theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Quyết định 2345 phân các giao dịch chuyển tiền trực tuyến theo 4 cấp độ, gồm các giao dịch loại A, B, C, D theo trật tự yêu cầu về xác thực mạnh dần lên. Hiểu một cách sơ lược, người dân khi giao dịch ngân hàng trực tuyến từ ngày 1/7 sẽ phải thực hiện xác thực khuôn mặt với khoản tiền có giá trị trên 10 triệu đồng/1 lần chuyển tiền và với số tiền có giá trị trên 20 triệu đồng/1 ngày. Để có thể thực hiện giao dịch số tiền giá trị lớn như trên, từ ngày 1/7, các ngân hàng hiện đang yêu cầu khách hàng thực hiện đăng ký sinh trắc học để nhằm mục đích đồng bộ dữ liệu, chuẩn bị cho việc giao dịch sau này.

Theo đó, để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345, khách hàng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng. Quy trình này gồm 3 bước: Chụp ảnh mặt trước, sau của căn cước công dân; đưa căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu; cuối cùng là quét khuôn mặt.

Thực tế thực hiện thời gian qua cũng có một số vướng mắc. Ông Trần Công Huỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ (Hiệp hội Ngân hàng) cho biết, trong quá trình thực hiện, việc áp dụng công nghệ NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn) để đọc dữ liệu từ căn cước công dân gắn chíp còn gặp nhiều khó khăn do thiết bị của nhiều khách hàng chưa hỗ trợ NFC; các tổ chức tín dụng cũng phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chi phí dịch vụ xác thực, chi phí vận hành...

Ngoài ra, hiện nay một số người dân vẫn dùng căn cước công dân thường (không gắn chíp), hoặc thậm chí là giấy chứng minh thư nhân dân cũ 9 số. Các giấy tờ này vẫn còn hiệu lực pháp lý.

Trước thực tế trên, mới đây NHNN cũng có công văn hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định 2345 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, NHNN cũng đã có hướng dẫn chi tiết cho các trường hợp, bao gồm cả trường hợp khách hàng chỉ có căn cước công dân hoặc chứng minh thư cũ và khách hàng có căn cước công dân gắn chíp nhưng không có điện thoại hỗ trợ NFC.

Xác thực sinh trắc học, thanh lọc các tài khoản “rác”

Các tài khoản “ảo” sẽ bị tê liệt

Với yêu cầu phải xác thực khuôn mặt cho một số giao dịch giá trị lớn, ngoài việc hạn chế tối đa rủi ro tội phạm chiếm đoạt tài khoản khách hàng mà còn có thể sẽ “dọn dẹp” các tài khoản “ảo”, tài khoản “rác” vốn vẫn là một trong những khó khăn trong quản lý tài khoản khách hàng của các ngân hàng thời gian qua.

Cho thuê, mượn tài khoản có thể bị phạt 100 triệu đồng

Theo văn bản của NHNN gửi các tỉnh, thành phố, các hành vi vi phạm về cho thuê, mượn tài khoản sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/NĐ-CP ngày 14/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với các hành vi: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, hiện nay Luật Dân sự đã có các quy định cấm các hành vi chiếm đoạt sử dụng trái phiếu tài khoản của người khác. Tuy nhiên, thực tế có nhiều vấn đề rất khó trong việc quản lý tài khoản “rác” khi chủ tài khoản tự nguyên cho thuê, cho mượn và với những trường hợp này, nếu phát thiện thường chỉ có thể xử lý hành chính, chứ không thể xử lý hình sự.

Vừa qua, NHNN cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. Theo NHNN, qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế cùng với phản ánh từ Bộ Công an cho thấy, thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng. Các đối tượng tội phạm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp căn cước công dân mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…

Theo đó, việc thực hiện quy định phải xác thực khuôn mặt với giao dịch giá trị lớn tuy chưa “quét” được hết với các giao dịch giá trị nhỏ, nhưng cũng đã hạn chế đáng kể tình trạng lạm dụng tài khoản “rác” như trên. Qua đó, các tài khoản “rác” nếu vốn tồn tại thì cũng sẽ chỉ chuyển được tiền giá trị nhỏ, sẽ khó để các đối tượng lạm dụng cho các hoạt động phi pháp có tính chất nghiêm trọng.

Hướng dẫn bảo mật tài khoản của Ngân hàng Nhà nước

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, đối với khách hàng chưa có CCCD gắn chíp (chỉ có chứng minh thư nhân dân, hoặc CCCD không gắn chíp còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật), biện pháp xác thực thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp.

Đối với khách hàng có căn cước công dân gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, biện pháp xác thực được thực hiện:

(i) Thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

(ii) Hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra thực hiện như sau:

- Khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chíp của thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị/điện thoại đọc của đơn vị.

- Hoặc khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Về lưu trữ thông tin thiết bị thực hiện giao dịch:

Đối với lưu trữ thông tin thiết bị (bao gồm cả trên máy tính sử dụng trình duyệt web) thực hiện giao dịch: Đơn vị lưu trữ các thông tin định danh về thiết bị thực hiện giao dịch theo nguyên tắc chỉ cần lưu các thông tin để có thể định danh duy nhất thiết bị.

Về xác thực giao dịch đối với giao dịch nạp, rút tiền từ Ví điện tử:

Đối với giao dịch nạp, rút tiền từ Ví điện tử thông qua tài khoản thanh toán/thẻ ghi nợ liên kết chính chủ, nếu khách hàng đã thực hiện xác thực chính chủ với ngân hàng khi thực hiện liên kết bằng biện pháp xác thực đối với giao dịch loại B hoặc cao hơn (trừ biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học gắn liền với thiết bị cầm tay thông minh) thì không bắt buộc áp dụng biện pháp xác thực đối với các giao dịch nạp, rút tiền từ Ví điện tử trong phạm vi hạn mức.