Lãi suất diễn biến trái chiều
Trong thời gian trước, lãi suất cả mua và bán tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều quanh mức khoảng 6%/năm, nhưng trong một số phiên đấu thầu tín phiếu từ giữa tháng 11 đến nay, lãi suất bán tín phiếu của NHNN có sự giảm mạnh.
Trong phiên đấu thầu ngày 15/11, NHNN đấu thầu bán hẳn tín phiếu, hút về gần 20 nghìn tỷ đồng với lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên đến phiên 16/11, NHNN bán hẳn gần 10 nghìn tỷ đồng tín phiếu và lãi suất giảm xuống 5,8%. Tiếp đó đến phiên đấu thầu 17/11, NHNN bán hẳn 5.000 tỷ đồng tín phiếu, hút về 5 nghìn tỷ đồng và lãi suất giảm còn 5,49% và lãi suất bán tín phiếu thậm chí đã giảm rất mạnh xuống chỉ còn 4,5% trong phiên đấu thầu ngày 18/11, khi NHNN bán ra 5.000 tỷ đồng tín phiếu.
Động thái lãi suất trên thị trường mở theo đó diễn biến trái ngược với diễn lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi dân cư, bởi lẽ, cuộc đua lãi suất huy động vẫn khá nóng trên thị trường trong giai đoạn giữa tháng 11.
Cuộc đua lãi suất huy động vẫn khá nóng trên thị trường trong giai đoạn giữa tháng 11. |
Lãi suất huy động tăng nhiệt thời gian qua xuất phát từ việc các ngân hàng phải cạnh tranh khá gay gắt với nhau trong huy động vốn. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng có tốc độ nhanh hơn tăng trưởng nguồn vốn huy động, theo đó, những ngân hàng đẩy lãi suất lên cao để tăng sức hút tiền gửi về ngân hàng mình nhằm đảm bảo cân đối dòng vốn đầu vào và đầu ra. Trong bối cảnh đó, một số ngân hàng khác cũng lại phải tăng lãi suất huy động lên theo để giữ chân khách hàng.
Mức lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng hiện nay thậm chí đã lên tới 14%/năm. Đó là trường hợp Ngân hàng Standard Chartered, tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ dành cho khách hàng tham gia mua bảo hiểm. Trong khi đó, một số ngân hàng khác cũng đã đưa lãi suất lên mức xấp xỉ 10% với những kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng đã được nhiều ngân hàng đưa lên chạm mốc 6%/năm.
“Bắt mạch” tín hiệu tương lai
Theo Điều 10 Luật NHNN Việt Nam 2010, nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ngoài ra, tại Thông tư 09/VBHN-NHNN, nghiệp vụ thị trường mở là việc NHNN thực hiện mua, bán giấy tờ có giá với các thành viên. Theo đó, NHNN thực hiện các hoạt động mua vào và bán ra các loại giấy tờ có giá với các tổ chức tín dụng nhằm mục đích điều tiết dòng tiền trên thị trường tiền tệ, qua đó hỗ trợ cân đối cung cầu tiền tệ trong nền kinh tế. Theo NHNN, các hoạt động đấu thầu trên thị trường mở thực hiện theo các hình thức: Cạnh tranh lãi suất, kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất và các hình thức khác có thể bổ sung mới khi cần thiết. Kỳ hạn tính theo các đơn vị ngày, tuần, tháng...
Theo TS. Châu Đình Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, việc các ngân hàng mua tín phiếu do họ huy động vốn nhưng chưa sử dụng. Qua đó, họ phải thực hiện mua tín phiếu để giảm bớt chi phí huy động vốn. Tuy nhiên, diễn biến này chỉ có tính chất ngắn hạn và có tính cục bộ ở một số ngân hàng chứ chưa đủ yếu tố cho thấy dòng tiền chung trong các ngân hàng thương mại đã dư thừa.
Một số điều kiện để một ngân hàng được tham gia thị trường mở Theo Thông tư 09/VBHN-NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân) khi tham gia thị trường mở phải có tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam mở tại Ngân hàng Nhà nước và được NHNN cấp mã ngân hàng. Khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được công nhận là thành viên, NHNN cấp mã khóa truy cập, mã khóa ký chữ ký điện tử và phân quyền cho nhân sự tham gia giao dịch nghiệp vụ thị trường mở theo đề nghị của thành viên. |
Ngoài ra trong thời gian qua, ngoài động thái bán tín phiếu, NHNN cũng vẫn thường xuyên thực hiện nghiệp vụ mua tín phiếu và động thái này thể hiện NHNN cũng vẫn bơm tiền ra cho các ngân hàng thương mại. Trong 2 ngày 17 và 18/11, NHNN đều mua vào mỗi ngày gần 7.900 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất 6%.
Mặc dù vậy, lãi suất là một yếu tố đáng quan tâm, theo ông Châu Đình Linh, việc lãi suất tín phiếu bán ra giảm cũng có thể cho thấy một thông điệp báo hiệu xu hướng lãi suất huy động có thể sẽ bớt căng thẳng trong thời gian tới. Bởi lẽ, các ngân hàng nâng lãi suất huy động trong thời gian qua nhằm mục đích tăng sức hấp dẫn hút tiền gửi từ dân chúng, nhưng đã có một số ngân hàng chấp nhận mua tín phiếu với lãi suất giảm dần cho thấy, họ sẽ phải cân nhắc đến chi phí huy động vốn.
Qua đó, các ngân hàng huy động vốn vào lãi suất cao nhưng nếu chưa cho vay ngay được và phải dùng tiền đó để mua tín phiếu với lãi suất thấp hơn trước sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh. Việc này nếu còn kéo dài thì các ngân hàng sẽ phải cân nhắc dừng việc tăng lãi suất huy động, thậm chí giảm để phù hợp với thực tế sử dụng vốn.