Kỳ họp bất thường

Quốc hội (QH) quyết định tổ chức một Kỳ họp bất thường vào cuối năm nay hoặc muộn lắm là vào đầu tháng 1 năm sau, với 4 trong số 5 nội dung được đưa ra xem xét đều là các vấn đề cấp bách, đột xuất, rất quan trọng cho việc phục hồi như Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự)…

3 “cùng” sau 45 ngày sống chung
Ngày 25/11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp chuẩn bị nội dung trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Kỳ họp bất thường để mở đường chính sách hỗ trợ tối đa cho việc đưa nền kinh tế nhanh trở về bình thường. Sau 45 ngày “sống chung” với Covid-19, đã đến lúc không thể chần chừ. Một lần nữa, QH đã thể hiện được vai trò chủ động trong đương đầu với đại dịch. Lược tả lại các diễn biến trong suốt đợt dịch lần thứ 4, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhắc đến những “lần đầu tiên”.

Lần đầu tiên biến chủng Delta với tốc độ lây lan cực nhanh và phức tạp đã xuất hiện. Lần đầu tiên thực hiện chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay. Cũng lần đầu tiên từ sau chiến tranh đến nay quân đội có cuộc điều quân lớn chưa từng có. Trong bối cảnh đó, QH đã chủ động khẩn trương ban hành nhiều Nghị quyết cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch thuộc thẩm quyền của QH hoặc chưa được luật định.

Để đến được thời điểm “sống chung” bắt đầu từ 11/10/2021 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ là một chặng đường đầy trắc trở, với các mục tiêu phải liên tục chuyển hướng.

3 “cùng” sau 45 ngày sống chung
Công nhân khu Công nghiệp VSIP1 (Thuận An-Bình Dương) trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Đầu tiên là phải chuyển từ mục tiêu kép sang mục tiêu bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Trong giãn cách xã hội, từ chỗ có một vài ca đã cách ly diện rộng cả tỉnh, cả vùng, kể cả những vùng không có dịch, sau chuyển sang chỉ cách ly ở những khu vực nhỏ có người nhiễm; từ lúc chưa có vắc-xin thì áp dụng một số biện pháp hành chính nghiêm ngặt, sau bao phủ vắc-xin đến tỷ lệ nhất định thì nới lỏng dần và giờ là “sống chung”.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Sau 45 ngày “sống chung”, số ca Covid-19 mới trung bình/ngày lên cao dần và đến nay đạt ngưỡng hơn vạn ca/ngày, cả nước đã vượt mốc có 1,1 triệu ca nhiễm. Số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố. “Khi chúng ta chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả" thì không thể không có ca nhiễm được nhưng chúng ta phải kiểm soát và quản lý rủi ro” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói - “quản lý rủi ro ở đây không để tăng nặng bệnh và nguy cơ tử vong. Trong Nghị quyết 128 đã nêu rất rõ là các địa phương phải tăng phủ vắc-xin cho người từ trên 50 tuổi, đồng thời củng cố hệ thống y tế để đảm bảo cấp cứu và điều trị kịp thời”.

Tại sao phải tạm thời?

Đã đủ cơ sở để tự tin bình thường mới, nhưng hiện các hướng dẫn của Chính phủ để “sống chung” mới chỉ là tạm thời. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Covid-19 là một đại dịch chưa có trong tiền lệ và tất cả các nước vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Có những nước vừa mở ra nhưng mấy tuần sau lại phải đóng lại. Rất khó ứng phó vì không thể tiên lượng và không biết được những mức độ nguy cơ và ảnh hưởng, những tác động của nó đối với vấn đề sức khỏe người dân và kinh tế - xã hội của từng quốc gia.

Vì vậy, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đúc kết những kinh nghiệm của quốc tế và đặc biệt trao đổi với các tổ chức quốc tế và căn cứ hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, Nghị quyết 428 là Nghị quyết tạm thời, Bộ Y tế khi ban hành Quyết định 4800 cũng là tạm thời để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi, vừa trao đổi để xây dựng được kế hoạch và có được một cái chung về sau. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Y tế hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch để trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30/11/2021.

Theo tổng hợp của Bộ Y tế, trong hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, số ca tử vong giảm 46%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40% so với một tháng trước đó. Với tiến độ vắc-xin về Việt Nam trong thời gian qua, trong tháng 11 đủ vắc-xin tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi. Đến hết ngày 23/11, cả nước đã tiêm được 110 triệu liều vắc-xin; trong đó 67 triệu người tiêm mũi 1; 43 triệu người tiêm đủ 2 liều. 12 địa phương bao phủ mũi 2 cho 80% dân số trở lên, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nam, Lạng Sơn.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, 49 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông... Trong đó, kế hoạch của 25 tỉnh, thành phố đã quy định các biện pháp hành chính cho 4 cấp độ dịch; kế hoạch của 24 tỉnh, thành phố chỉ có biện pháp hành chính cho cấp độ dịch hiện tại trên địa bàn. Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo nhiều địa phương đều thể hiện tinh thần qua 45 ngày “sống chung”, không còn tâm lý hoang mang, lo sợ.

Dẫu vậy, như nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Ngày hôm nay chúng ta kiểm soát được tình hình theo Nghị quyết 128 và mọi việc dường như được khởi sắc. Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei cách đây một tháng, chúng ta đứng chót bảng, bây giờ đã đứng lên giữa bảng, rất nhanh. Nhưng tôi xin nói rằng cuộc chiến này vẫn đang tiếp diễn”.

Tất cả cùng “xắn tay”

Khẳng định của Chính phủ: Việt Nam cơ bản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển chiến lược từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”. Các chỉ số kinh tế 2 tháng gần đây sau khi thực hiện chuyển hướng kiểm soát dịch bệnh đã thể hiện sự tích cực và phục hồi kinh tế rõ nét.

Còn theo quan sát của đại diện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Marie Damour, nếu như 3 tháng trước, các đường phố vốn sôi động đã trở nên vắng lặng với những ngôi nhà với ổ khoá chặt, công nhân phải ngủ lại trong nhà máy, thì từ tháng 10 đến nay, cuộc sống tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu… đang trở lại bình thường. Người dân dần học cách sống an toàn với vi-rút.

“Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi thấy 3 lý do chính cho sự thay đổi đáng kinh ngạc này”- bà Marie Damour nói - “Thứ nhất là Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một chiến dịch tiêm chủng đáng ghi nhận; thứ hai, đáng ghi nhận hơn cả là tinh thần của người Việt Nam, chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi, với sự hợp tác rất cao của người dân, hơn 100 triệu liều vắc-xin đã được tiêm trên cả nước; thứ ba là đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh không ngừng nỗ lực đảm bảo sức khoẻ người dân, bên cạnh quá trình tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư. Trên khắp mọi miền đất nước, mọi người đã cùng nhau xắn tay áo làm tốt phần việc của mình. Sau quý III đầy khó khăn, nền kinh tế đang trên đà khởi sắc”.