Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 Năm 2024: Quyết liệt triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Đảm bảo đủ các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán

Gỡ rào cản về yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tích lũy được nhiều kết quả tích cực. Đến giai đoạn này rất cần thị trường tiến tới bước phát triển mới, cụ thể là việc được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo các tiêu chí xếp hạng của các tổ chức xếp hạng quốc tế. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ chỉ đạo trong Nghị quyết, trong Quyết định của Thủ tướng về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam…

“Chúng tôi xác định đây là mục tiêu bao trùm giai đoạn này và đang phấn đấu cùng các bộ ngành liên quan, các thành viên thị trường để thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay. Để đạt được mục tiêu này sớm nhất vào năm 2025, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ ngay trong năm 2024, Bộ Tài chính phải cùng với các bộ ngành khác triển khai tốt 4 việc.

4 việc phải làm năm 2024 để nâng hạng thị trường chứng khoán

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh

Ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

Thứ nhất là xử lý yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% khi giao dịch. Đây là một rào cản mà Việt Nam phải giải quyết khi muốn nâng hạng thị trường.

Được biết, Bộ Tài chính đã làm việc với các tổ chức xếp hạng, thành viên thị trường để xem xét đánh giá và dự kiến sẽ trình cấp thẩm quyền phương án khả thi xử lý vấn đề này trong năm 2024 theo khuyến nghị của các tổ chức xếp hạng quốc tế.

Việc thứ hai là yêu cầu minh bạch, rõ ràng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo Thứ trưởng, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ thực hiện công bố các thông này này đầy đủ, bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra, cũng sẽ có những quy định yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết cập nhật thông tin này trên thị trường, đảm bảo minh bạch, rõ ràng về tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết.

Đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới

Nhiệm vụ thứ ba, theo Thứ trưởng, là minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ngay trong nửa đầu năm 2024, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, sắp xếp các bước đi phù hợp để đến cuối năm, cơ bản các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố thông tin trên thị trường bằng hai ngôn ngữ.

Và cuối cùng, trong năm 2024 sẽ chủ động đưa vào vận hành sớm nhất hệ thống giao dịch chứng khoán mới trên thị trường, đảm bảo yêu cầu về giao dịch, thanh toán, lưu ký của thị trường chứng khoán.

Khẳng định, mục tiêu nâng hạng là rất quan trọng, song Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho hay trong bất kỳ giải pháp nào cũng phải đảm bảo thị trường quản trị được rủi ro, nhất là rủi ro hệ thống, đảm bảo thị trường vận hành ổn định, an toàn và bền vững.

4 việc phải làm năm 2024 để nâng hạng thị trường chứng khoán
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh

Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho biết hai năm qua Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao và thúc đẩy các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan phối hợp với nhà thầu triển khai công việc về hệ thống giao dịch chứng khoán mới.

Đến cuối năm 2023, cơ bản đã hoàn thành về kỹ thuật và quá trình chạy thử nghiệm, hiện nay các đơn vị trực tiếp và các thành viên thị trường có liên quan đang triển khai tích cực. Đây là hệ thống rất lớn, gắn kết chặt chẽ giữa các hệ thống như Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam…

“Yêu cầu của hệ thống giao dịch là rất cao về tính ổn định và an toàn. Bộ Tài chính đã chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu, đảm bảo ổn định, an toàn và gần như không có rủi ro. Lúc đó, cơ quan có thẩm quyền mới đưa vào vận hành hệ thống mới. Bộ Tài chính mong thời điểm đó đến sớm nhất” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.