Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 122/TB-VPCP thông báo về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024.

Thị trường chứng khoán đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Tại thông báo, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và ý kiến phát biểu tham luận của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với nhiều ý kiến tâm huyết, xây dựng, trách nhiệm, sát với thực tế và đề xuất các giải pháp cụ thể. Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp thu tối đa các ý kiến, kiến nghị để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chính phủ và các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể có liên quan theo quy định. Xây dựng Chính phủ kiến tạo để cùng cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên TTCK, các nhà đầu tư góp sức thúc đẩy phát triển TTCK ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Thủ tướng cũng khẳng định, TTCK Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là yếu tố khách quan trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là hàn thử biểu để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế và của các doanh nghiệp, là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân; đồng thời là kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 ngày 28/2/2024.

Cũng tại thông báo, Thủ tướng đánh giá, trong quá trình phát triển của TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, thể chế, cơ chế, chính sách và quy định pháp luật liên quan đến chứng khoán và TTCK từng bước được xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển TTCK trong từng thời kỳ.

Đồng thời, TTCK không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và hiện đại hóa, cơ cấu thị trường từng bước được hoàn thiện, bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh, số lượng các doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh, hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán có sự phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ, việc giao dịch chứng khoán được thực hiện thuận lợi, đa dạng trên nhiều nền tảng công nghệ.

TTCK phát triển không ngừng về quy mô, tăng khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp, quy mô vốn hóa thị trường tăng trường tích cực, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường ngày càng tăng, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư (NĐT) ngày càng được nâng cao.

TTCK phát triển theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quan trọng của các tổ chức xếp hạng thế giới, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập và tiến bộ của thế giới.

Bên cạnh đó, công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường, nhiều vụ việc được điều tra, xác minh, làm rõ, quyết liệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng của TTCK và củng cố niềm tin của NĐT.

“Nhiều NĐT tổ chức bao gồm các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đánh giá cao sự tiến bộ, tiềm năng và dư địa phát triển của TTCK Việt Nam” – thông báo cho hay.

Sớm ban hành chương trình hành động cụ thể triển khai đề án chiến lược

Cũng tại thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành ngay các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để triển khai kịp thời, hiệu quả, hoàn thành trong tháng 3/2024.

Đồng thời, khẩn trương rà soát toàn diện, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công bố thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận TTCK Việt Nam đối với NĐT nước ngoài (NĐTNN).

Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, giám sát TTCK; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các NĐT tham gia TTCK Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của nhà nước - doanh nghiệp - NĐT.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời phòng, chống, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trên TTCK, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo thị trường phát triển bền vững, vận hành an toàn, công bằng, công khai, lành mạnh.

Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung để thu hút các dòng vốn gián tiếp đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa
Chính phủ và các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể có liên quan theo quy định. Ảnh: Minh họa.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin chính thống tạo sự đồng thuận trong xã hội, ổn định tâm lý thị trường và NĐT; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo để nâng cao kiến thức tài chính, năng lực phân tích, đánh giá cho NĐT trên TTCK. Mặt khác, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Nghiên cứu, sử dụng các công cụ quản lý thuế phù hợp, công khai, minh bạch đúng quy định gắn với tăng cường chuyển đổi số để chống thất thu thuế.

Ngoài ra, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với việc niêm yết đăng ký giao dịch trên TTCK; tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới; cải thiện chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi Bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và người hành nghề; từng bước nghiên cứu chuyển giao hoạt động tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.

Khẩn trương công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài

Về công tác nâng hạng TTCK, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) và các cơ quan liên quan xử lý nhanh chóng, kịp thời và có kết quả các vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo kết quả triển khai thực hiện trong tháng 6/2024.

Chính phủ quyết tâm để TTCK được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và tập trung phát triển nhanh, bền vững theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/6/2024.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBCKNN và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với NĐTNN; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, hoàn thành trong tháng 5/2024.

NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBCKNN và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của NĐTNN, tạo thuận lợi cho NĐTNN khi tham gia vào TTCK. Nghiên cứu triển khai việc thanh toán, bù trừ an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và phù hợp với quy luật của thị trường, hoàn thành trong tháng 5/2024.

“Bộ KH&ĐT, NHNN chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2024” - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo UBCKNN chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện, kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống giao dịch chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin, chủ động xây dựng các quy trình kiểm soát rủi ro, biện pháp xử lý, ứng phó với những tình huống cấp bách, không để xảy ra sự cố kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính, quyền lợi cho NĐT./.