Lực đẩy dòng vốn mới cho thị trường chứng khoán Lực đẩy dòng vốn mới: Để thị trường chứng khoán phát triển lên tầm cao mới

Đề án phát triển nhà đầu tư tổ chức sẽ sớm được ban hành

Chia sẻ tại tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính – Đầu tư tổ chức sáng 23/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp với quy mô vốn hóa hàng tỷ USD.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, phản ánh sức khỏe, triển vọng và năng lực phát triển quốc gia. Hệ thống pháp lý dần hoàn thiện; cộng đồng nhà đầu tư vượt mốc 10 triệu tài khoản; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt trên 60% GDP; nền tảng công nghệ hiện đại như hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành.

Mặc dù là thị trường non trẻ nhất ASEAN, nhưng quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã tương đương Malaysia, vượt Philippines và chỉ thấp hơn Thái Lan một chút. Đặc biệt, trong tuần qua, thanh khoản của thị trường Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, vượt cả Thái Lan – một thành tựu đáng ghi nhận.

Liên quan đến tiến trình nâng hạng, ông Hải cho biết, các tiêu chí “cứng” theo yêu cầu đã cơ bản được đáp ứng. Với các tiêu chí “mềm”, điều kiện chủ yếu phụ thuộc vào cảm nhận và trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã duy trì kênh trao đổi thường xuyên với các quỹ và nhà đầu tư quốc tế. Hàng tuần, các cuộc gặp trực tiếp được tổ chức để lắng nghe đánh giá, góp ý nhằm cải thiện chất lượng thị trường. Các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao khung pháp lý, tiềm năng tăng trưởng cũng như tính thanh khoản của thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ hôm 17/7, đại diện FTSE Russell (thuộc Sở Giao dịch chứng khoán London) đã ghi nhận quyết tâm và những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế và thị trường vốn. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang được xem xét nâng hạng.

Nâng hạng – Bước đệm để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn
Ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ tại toạ đàm

Theo ông Hải, việc nâng hạng, nếu đạt được trong tháng 9 tới, là kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây không phải đích đến, mà là bước đệm cho mục tiêu dài hạn: xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và hấp dẫn dòng vốn dài hạn. Dù việc nâng hạng có được chính thức công nhận ngay hay chưa, thì những cải cách đã và đang triển khai đều mang lại lợi ích rõ rệt cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Đề án phát triển nhà đầu tư tổ chức do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tham mưu, biên soạn, đến nay gần như hoàn thành và chuẩn bị trình Bộ Tài chính ban hành sớm, có thể ngay trong tháng này. Tại Đề án, cơ quan quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển ngành quỹ, bao gồm chương trình đào tạo nhà đầu tư để thay đổi ý thức đầu tư, từ "đánh ngắn", "lướt sóng" sang đầu tư dài hạn, có kế hoạch đầu tư tài chính bài bản; trên cơ sở tham khảo nhiều quốc gia có chiến lược quốc gia về đào tạo đầu tư tài chính cho dân cư.

Ngoài ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trương phải tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm ngành quỹ. Từ thực tế dân số Việt Nam có nhiều độ tuổi với khẩu vị đầu tư khác nhau nhưng sản phẩm ngành quỹ hiện nay còn đơn điệu nên chưa đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư. Đồng thời, chúng tôi đề xuất thay đổi quy định pháp lý liên quan đến các loại sản phẩm, chỉ số để hình thành các quỹ, kể cả quỹ chủ động và quỹ thụ động.

Hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn với quy trình mới

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chia sẻ niềm tự hào cùng dấu ấn 25 năm thị trường chứng khoán. Dấu ấn từ những ngày đầu tiên, khi chúng ta chỉ có 2 cổ phiếu, tới dấu ấn năm 2006 khi gia nhập WTO đạt được những cú huých đầu tiên, sau đó thăng trầm từ khủng hoảng tài chính 2008, thị trường đi ngang trong thời gian dài, thời kỳ Covid – bùng nổ giao dịch trực tuyến, làm nền tảng cho sự bứt phá ngày hôm nay.

Theo bà Đào, dấu ấn 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, gắn với sự phát triển của nền kinh tế, gắn với sự kiện trọng đại của đất nước, với những thay đổi chính sách. Chặng đường sắp tới, có những nền tảng để mong chờ thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, có chính sách rõ và thống nhất để tạo đà phát triển cho doanh nghiệp tư nhân. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng Bộ Tài chính, các thành viên thị trường đang xây dựng nền tảng tiếp theo của thị trường, nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến thủ tục, gắn IPO với niêm yết…

Nâng hạng – Bước đệm để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Về dòng vốn, bà Đào cho rằng, ở thời điểm hiện nay, so với 2-3 năm trước, khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 thì nội lực của khối doanh nghiệp đang hồi sinh và trên đà phát triển. Trên HOSE đã có 390 doanh nghiệp niêm yết, với vốn hóa hơn 3 triệu tỷ đồng, mỗi ngành nghề đều có những doanh nghiệp đứng đầu ngành, là đại biểu cho cả nền kinh tế. Thị trường chứng khoán đã trở thành kênh cung ứng vốn trung dài và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài sẽ tìm được bến đỗ và cũng mang lại hiệu quả cho thị trường và nền kinh tế.

“HOSE đã triển khai thành công hệ thống công nghệ giao dịch mới cho toàn bộ thị trường (KRX). Đây là nền tảng chúng tôi sẽ tận dụng khi nâng hạng thị trường, cùng với CPP cũng như những tiện ích khác của hệ thống để phục vụ tốt hơn cho thị trường. Với hệ thống kỹ thuật hiện tại, việc ra mắt sản phẩm mới sẽ được rút ngắn. HOSE đang cùng VDSC lên lộ trình cho sản phẩm mới. Hiện tại, chúng tôi tập trung ổn định hệ thống, đáp ứng nhanh, kịp thời khối lượng giao dịch hiện nay”, bà Đào chia sẻ.

Về hàng hóa mới, theo bà Đào với điều kiện niêm yết hiện nay, doanh nghiệp có 2 con đường: Thứ nhất là công ty đại chúng và giao dịch trên UPCoM 2 năm; thứ hai là phải được phát hành ra công chúng sau đó niêm yết. Trước đây là 2 quy trình tách biệt, sau khi phát hành thì mất thêm thời gian làm quy trình niêm yết. Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang có chỉ đạo rốt ráo để ghép 2 quy trình với nhau. Khi cổ phiếu có thanh khoản tốt, thu hút nhà đầu tư trên thị trường sẽ có lộ trình để rút ngắn quy trình này. Ngoài các tiêu chí cứng về thời gian hoạt động, cổ đông, quản trị công ty, minh bạch, HOSE đang tập trung để khối doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hoạt động, có mặt bằng so sánh được với các thị trường trong khu vực, từ đó thu hút được dòng vốn nước ngoài./.