Tham dự tọa đàm còn có bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Trần Anh Đào - Phó Tổng Giám đốc phục trách Ban Điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán, ông Nguyễn Quang Thương - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cùng sự tham dự của các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện cộng đồng doanh nghiệp các vị chuyên gia, các nhà đầu tư.

Quy mô thị trường ngày càng phát triển

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Văn Hoành - Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư cho biết, tháng 7 này, thị trường chứng khoán kỷ niệm tròn 25 năm vận hành. Một phần tư thế kỷ đã đi qua, để lại phía sau cả một chặng đường dài với biết bao thành tựu mà không ai có thể phủ nhận, đặc biệt khi chúng ta nhìn vào quy mô thị trường và một cộng đồng nhà đầu tư đông đảo hôm nay so với những bước đi chập chững đầu tiên của Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh tròn 25 năm trước. Từ những phiên giao dịch ban đầu chỉ 2 mã cổ phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần trở thành một trong những kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời cũng là một “sân chơi” hết sức sôi động, thu hút sự quan tâm của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Lực đẩy dòng vốn mới: Để thị trường chứng khoán phát triển lên tầm cao mới
Ông Phạm Văn Hoành - Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư phát biểu tại tọa đàm

Tổng Biên Tập Phạm Văn Hoành chia sẻ, một điều trùng hợp khá thú vị là vào đúng những ngày này, khi các thành viên thị trường đang khá bận rộn với nhiều hoạt động kỷ niệm ở một dấu mốc đầy ý nghĩa, thì chúng ta lại được chứng kiến những phiên giao dịch bùng nổ cả về số lượng và giá trị giao dịch, thậm chí đạt mức cao nhất trong các thị trường khu vực ASEAN. Phải chăng những phiên giao dịch thăng hoa mà chúng ta luôn chờ đợi như vậy là hệ quả từ lực đẩy của những dòng vốn mới phát sinh từ những nhà đầu tư đang nhận rõ những cơ hội rộng mở từ một thị trường luôn được đánh giá là đầy tiềm năng.

Cũng nhân dịp này, Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư Phạm Văn Hoành gửi lời chúc mừng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường về chặng đường 25 năm phát triển, đặt nền tảng cho nhiều phần tư thế kỷ thành công tiếp theo.

Theo Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư, nhìn vào bức tranh chung của nền kinh tế, cộng với kỳ vọng từ những động thái tích cực sắp tới của thị trường, chắc chắn mỗi người đều có kiến giải riêng cho sự nhộn nhịp của các hoạt động giao dịch gần đây. Song để góp phần làm sáng tỏ và cũng để giúp kiểm chứng rõ hơn các lập luận của mỗi nhà đầu tư trong một cách nhìn xa hơn, dài hạn hơn, các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý thị trường, các tổ chức đầu tư sẽ cùng đóng góp những lập luận, phân tích xoay quanh chủ đề chính “Lực đẩy dòng vốn mới”. Hy vọng chính sự trùng hợp thú vị giữa chủ đề tọa đàm với những gì đang diễn ra trên thực tế những ngày này sẽ giúp cuộc thảo luận càng trở nên hấp dẫn và sinh động, mang đến cho cộng đồng nhà đầu tư nhiều thông tin hết sức hữu ích để có những quyết định hợp lý, hiệu quả hơn trong hoạt động đầu tư của mình.

"Đây cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục “hiến kế”, giúp các nhà hoạch định chính sách tiếp tục hoàn thiện các thể chế và cộng đồng doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch trong quản trị, tạo lập một sân chơi hấp dẫn hơn, thu hút thêm nhiều thành viên thị trường, đưa thị trường chứng khoán trở thành một kênh huy động vốn quan trọng nhất để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số" - ông Phạm Văn Hoành phát biểu.

Yêu cầu mới để thị trường phát triển vượt bậc

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm xây dựng và phát triển từ con số 0, đến nay, dù vẫn còn nhiều điều phải bàn, song so với khu vực cũng như các mục tiêu, thành quả hôm nay rất đáng để tự hào.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiết lập được khuôn khổ, hành lang pháp lý để thị trường vận hành hiệu quả, xây dựng và phát triển một hệ thống các thành viên của thị trường với đầy đủ tiềm lực về tài chính, năng lực về chuyên môn trình độ để xây dựng và tham gia thị trường. Thị trường cũng đã xây dựng và phát triển một hệ thống nhà đầu tư với chỉ vài trăm nhà đầu tư ban đầu đến nay đã có 10 triệu tài khoản cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Từ việc đầu tiên đi vận động các doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường, thì nay vốn hoá thị trường chứng khoán đã đạt trên 60% GDP, có lúc lên đến 70%, một quy mô đáng tự hào.

Lực đẩy dòng vốn mới: Để thị trường chứng khoán phát triển lên tầm cao mới
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, chúng ta cũng xây dựng được những nền tảng hạ tầng kỹ thuật cho thị trường. Mới đây nhất, hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường là KRX được áp dụng để đáp ứng nhu cầu của thị trường chứng khoán. Chúng ta cũng có một đội ngũ quản lý thị trường tốt, các hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán được xây dựng vận hạnh và hướng tới thiết lập mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Thị trường chứng khoán dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, là “hàn thử biểu” phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế, năng lực của các doanh nghiệp. Và sau 25 năm phát triển, chúng ta đã xây dựng và tích luỹ được một lượng rất đáng kể về mọi mặt, để từ đó bàn thảo với nhau liệu có thể đưa thị trường lên một tầm cao mới chưa?

Thị trường chứng khoán dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế
Quang cảnh tọa đàm

“Toạ đàm chủ đề "Lực đẩy dòng vốn mới" hôm nay rất đúng về thời điểm, đúng về nội dung, đúng về yêu cầu và mong chờ của rất nhiều người từ nhà đầu tư, từ cơ quan quản lý đến các thành viên tham gia thị trường. Với chủ trương lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam sẽ có xây dựng thêm những kế hoạch mục tiêu to lớn trong tương lai” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Thứ trưởng nhấn mạnh, phải làm rõ khuôn khổ pháp lý hiện hành nhằm phát triển thị trường vốn, hướng đến thay đổi về chất và đưa thị trường lên tầm cao mới. Theo Thứ trưởng, cần xác định cụ thể đâu là điểm nghẽn pháp lý, những nội dung nào trong Luật Chứng khoán 2019 và Luật Chứng khoán sửa đổi 2024 và các nghị định hướng dẫn cần sửa đổi, điều chỉnh thì phải chỉ rõ để kiến nghị sửa kịp thời.

Về vấn đề hàng hóa trên thị trường, Thứ trưởng đặt câu hỏi: “ Chúng ta cần giải pháp gì để có thêm hàng hóa đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thị trường, cả về chất lượng và quy mô vốn hóa, đủ sức thu hút các nhà đầu tư lớn?”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, cần nghiên cứu giải pháp để xây dựng những hàng hóa mới, kể cả việc xem xét cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia niêm yết.

Liên quan đến cấu trúc thị trường, Thứ trưởng đề nghị đánh giá rõ tỷ trọng giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân hiện nay. Qua đó, đặt vấn đề làm thế nào để tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường. Trong khi đó, với nhà đầu tư cá nhân, cần có chiến lược đào tạo năng lực, nâng cao hiểu biết về thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, cần rà soát xem các công ty chứng khoán, thành viên thị trường hiện nay có tồn tại bất cập gì và có đề xuất kiến nghị nào cụ thể để khắc phục hay không. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến hạ tầng công nghệ, kỹ thuật của thị trường chứng khoán vốn là yếu tố nền tảng cho sự vận hành an toàn và hiệu quả.

Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, cần xác định rõ kỳ vọng nâng hạng thị trường, trong đó không chỉ là câu chuyện nâng hạng thành công, mà còn là giữ được hạng và tiếp tục được nâng hạng trong tương lai, những vấn đề cốt lõi mở ra lực đẩy dòng vốn đầu tư vào thị trường./.