Ấn Độ đạt thỏa thuận trị giá 100 tỉ USD với 4 nước châu Âu
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Mundra, Ấn Độ.

Hiệp định này tuân theo các hiệp định thương mại của Ấn Độ trong hai năm qua với Australia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Một hiệp định khác với Anh đang ở giai đoạn cuối. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ đạt 1 nghìn tỉ USD vào năm 2030.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết đây là hiệp định thương mại hiện đại đầu tiên của Ấn Độ với một khối gồm các nước phát triển và đánh dấu cột mốc lịch sử trong mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa 2 bên.

Cũng theo ông Goyal, hiệp định sẽ mở đường cho hai bên cùng phát triển thịnh vượng thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư và tạo việc làm.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tin tưởng hiệp định TEPA tượng trưng cho cam kết của 2 bên ủng hộ thương mại rộng mở, công bằng và hợp lý.

Phát biểu tại New Delhi, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin đánh giá hiệp định sẽ cho phép hai bên tận dụng tốt hơn những tiềm năng kinh tế và tạo thêm nhiều cơ hội cho cả Ấn Độ và các nước EFTA.

EFTA có thể tiếp cận thị trường Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh và ngược lại, Ấn Độ cũng thu hút thêm nhiều khoản đầu từ các nước EFTA, từ đó tạo thêm nhiều việc làm tốt.

EFTA gồm 4 nước Iceland, Na Uy, Liechtenstein và Thụy Sĩ, đều là những nước không nằm trong Liên minh châu Âu (EU).

EFTA được thành lập năm 1960 để thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế giữa 4 nước thành viên. Năm 2021, EFTA là khối thương mại lớn thứ 10 thế giới về buôn bán hàng hóa và thứ 8 về trao đổi dịch vụ.

Theo thống kê, trong tài khóa 2022-2023, thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và 4 nước EFTA là 18,65 tỷ USD, thấp hơn mức 27,23 tỷ USD trong tài khóa 2021-22, trong đó Ấn Độ thâm hụt 14,8 tỷ USD. Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong EFTA, tiếp theo là Na Uy.