NHNN cho biết thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh và Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường – xã hội đối với 15 ngành kinh tế làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các TCTD phục vụ công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng.

Qua tổng kết đánh giá, đa số các TCTD có sự thay đổi về nhận thức, hướng tới hoạt động bền vững. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường – xã hội của TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay chiếm 17% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Bàn giải pháp tối ưu hóa tín dụng song hành quản lý rủi ro môi trường
Đại diện NHNN chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm. Ảnh: SBV
Bàn các giải pháp đẩy mạnh vốn tín dụng cho các hợp tác xã Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Kỳ vọng nhiều điểm mới hỗ trợ kiểm soát rủi ro

Theo NHNN, nhận thức của các TCTD đối với vấn đề bảo vệ môi trường thông qua đánh giá và quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thay đổi rõ rệt. Ngày càng nhiều các TCTD đã xây dựng các quy định nội bộ quản lý rủi ro môi trường xã hội. Đồng thời, các TCTD đã chủ động hoàn thiện cơ cấu tổ chức như: thành lập bộ phận chuyên trách hoặc bố trí cán bộ chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường xã hội…

Về phía các TCTD, đại diện BIDV cho biết, ngân hàng đã sớm nghiên cứu triển khai mô hình chi nhánh/phòng giao dịch “Ngân hàng xanh”, gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội, trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngoài ra, BIDV cũng dành tỷ trọng ngày càng gia tăng để tài trợ cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp. Kết quả thực hiện cấp tín dụng lĩnh vực xanh tại BIDV đến 31/12/2022 là 63.773 tỷ đồng, chiếm 4,25% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng chia sẻ một số vướng mắc như:

Các dự án được tài trợ theo nguồn vốn của các tổ chức quốc tế có thể vừa phải phân loại rủi ro theo quy định của NHNN tại Thông tư 17 vừa phải đánh giá phân loại theo tiêu chuẩn của các nhà tài trợ. Vì vậy, các ngân hàng mong muốn NHNN có hướng dẫn về quản lý rủi ro môi trường đối với các dự án được tài trợ bởi nguồn vốn ủy thác quốc tế, chương trình tài trợ nước ngoài...

Đại diện VPBank chia sẻ, từ năm 2016, ngân hàng đã ban hành chính sách về quản lý rủi ro môi trường xã hội. Năm 2018, VPBank đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội (ESMS). Năm 2022, hệ thống ESMS trong cấp tín dụng trở thành một phần của chính sách ESG toàn ngân hàng. Bên cạnh đó, mỗi đề xuất cấp tín dụng được đánh giá dựa trên các rủi ro và tác động môi trường, xã hội tiềm ẩn, được phân loại thành các cấp độ: rủi ro cao, rủi ro trung bình, rủi ro thấp để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp.

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho biết, hướng tới áp dụng Thông tư 17, Ngân hàng Standard Chartered đang tiến hành rà soát các tiêu chí đánh giá đang áp dụng theo khung đánh giá của tập đoàn so với các yêu cầu của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các quy định liên quan. Nhìn chung, các tiêu chí đánh giá của ngân hàng đã tương đầy đủ so với yêu cầu của thông tư. Tới đây, Ngân hàng Standard Chartered sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt về đánh giá rủi ro môi trường xã hội và biến đổi khí hậu của quốc tế phù hợp với các quy định của Chính phủ và NHNN./.