Nhiều tác phẩn có tính lan tỏa cao

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, qua 16 năm tổ chức, đến nay, giải tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 18 liên chi hội và 35 chi hội trực thuộc. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy các cấp hội và hội viên trong cả nước đã ngày càng thật sự quan tâm đến giải báo chí quốc gia.

Các tác phẩm tham dự giải phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2021. Trong đó, phản ánh rõ nét những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công cuộc chuyển đổi số trong các lĩnh vực; công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, mảng đề tài liên quan đến đại dịch Covid-19 chiếm tỉ lệ cao ở tất cả các loại hình báo chí. Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.

Báo chí khẳng định vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả, nhóm tác giải đạt giải A. Ảnh: K.H
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng 115 tác giả, nhóm tác giả được trao giải. Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời của mỗi người làm báo mà còn của cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Giải thưởng để tri ân, cám ơn những người làm báo đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực, thành công của đất nước trong năm 2021 – một năm trải qua những khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về chiến lược vaccine, chương trình phòng chống dịch Covid-19, để Việt Nam trở thành một trong ít nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhất thế giới.

Báo chí đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức cá nhân, DN trong phòng chống dịch Covid-19. Chia sẻ những khó khăn, động viên, khích lệ các lực lượng tuyến đầu, nhất là bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, những cá nhân tự nguyện lên tuyến đầu chống dịch.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức của hậu đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn giữ ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, tạo niềm tin thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng là nước được thế giới đánh giá trên đà phục hồi vững chắc, dự báo có đà tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023… Theo Thủ tướng, đạt được những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí và những người làm báo nước nhà.

“Đối với các nhà báo, phóng viên nữ còn vất vả hơn vì nhiều lúc phải làm việc ngoài giờ, thực hiện chuyến đi công tác dài ngày, trong khi vẫn phải lo toan công việc gia đình, phận sự của người phụ nữ” – Thủ tướng chia sẻ.

Báo chí khẳng định vai trò định hướng dư luận xã hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI. Ảnh: K.H

Giải thưởng hôm nay để tôn vinh những đóng góp chất lượng, hiệu quả, bền bỉ của người làm báo đã tích cực đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, nhất là việc tuyên truyền thúc đẩy thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén

Nhiều tác phẩm năm nay đã góp phần chuyển tải những chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh…Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước, phát hiện và phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách Nhà nước, đầu tư công… Đồng thời, nhiều tác phẩm quảng bá những mô hình kinh doanh, sáng tạo, hiệu quả, tôn vinh, lan tỏa những hình ảnh nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương nhân ái trong phòng chống dịch và trong khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, Thủ tướng đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ quan báo chí, người làm báo sẽ chủ động, tích cực, trách nhiệm, xung kích, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo động lực, quyết tâm và sự đồng thuận trong xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở, cần quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Báo chí thể hiện tính cách mạng trong những vấn đề lớn của đất nước, là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích của quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước và nhân dân; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu báo chí tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh và tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn đặt ra; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực để nhân dân có niềm tin vào chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước mắt, báo chí cần tập trung tuyên truyền về 3 đột phá chiến lược, những chủ trương chính sách phục hồi kinh tế, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân, không để ai bị bỏ lại phía sau...

Thủ tướng đề nghị, người làm báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nhiệt huyết, thông tin nhanh, chính xác, khách quan, chân thực, kịp thời, có trách nhiệm, có văn hóa. Không để bị chi phối, suy thoái trước cám dỗ, làm mất đi tính khách quan, trung thực trong mỗi tác phẩm báo chí cách mạng.

Theo Thủ tướng, báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong báo chí, góp phần xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ mới vào hoạt động báo chí truyền thông; tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan tổ chức cá nhân tích cực cung cấp thông tin một cách chủ động, trách nhiệm để các nhà báo thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Các cơ quan chức năng cần bảo vệ những phóng viên trong thực thi nhiệm vụ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm./.