“Cánh cửa” vay vốn cho người cao tuổi ngày càng “hẹp”

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng gần 12 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; trong đó, khoảng 3,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, chiếm 27,1% tổng số người cao tuổi.

Vốn được coi là đối tượng đã quá độ tuổi lao động, tuy nhiên, nhu cầu tài chính của người tuổi hưu vẫn rất lớn khi nhiều người vẫn muốn thực hiện các dự án kinh doanh của riêng mình, hỗ trợ tài chính cho con cháu hay đơn giản là nâng cao chất lượng đời sống của bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để thực hiện những dự định của riêng mình.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông Trần Châu Giang ở Lý Nhân, Hà Nam, vẫn không nghỉ ngơi mà quyết định “khởi nghiệp” ở tuổi 68 bằng việc mở một xưởng cơ khí ngay tại quê nhà.

“Bật van” tín dụng cho người tuổi hưu
“Bật van” tín dụng cho người tuổi hưu

“Nghỉ hưu nhưng không có nghĩa là ngừng lao động. Tôi trước khi về hưu là một kỹ sư cơ khí, nên bây giờ muốn mở xưởng để tiếp tục công việc, vừa có cơ hội tăng thêm thu nhập, tự chủ tài chính, không phải phụ thuộc vào các con, vừa là để đỡ nhớ nghề mình đã gắn bó mấy mươi năm trời” - ông Giang tâm sự.

Tuy nhiên, một khó khăn lớn mà ông phải đối mặt là vấn đề thiếu vốn. Làm việc vất vả mấy chục năm, nhưng số tiền ông Giang tích cóp chẳng được bao nhiêu khi vợ mất sớm, mình ông phải lo ăn học cho ba người con, giờ đã trưởng thành. Do đó, để thực hiện kế hoạch, ông quyết định vay ngân hàng 500 triệu đồng làm vốn.

Ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang xa xôi, ông Vừ A Khảnh, một cán bộ xã mới nghỉ hưu năm ngoái muốn sửa lại ngôi nhà để có thể cùng người mẹ già gần 90 tuổi sống một cách thoải mái hơn. Tuy nhiên, cũng như ông Giang, ông Khảnh chưa có đủ kinh phí cho việc sửa chữa lớn.

“Các con tôi đều đã có gia đình riêng, có cuộc sống riêng phải lo. Vì vậy, tôi muốn tự lo việc sửa nhà, dù chưa có đủ tiền nhưng tôi có thể đi vay để làm rồi trả nợ sau. Mình vẫn còn lương hưu hàng tháng với vườn cây ăn quả nên không lo không trả được nợ” - ông tâm sự.

Ông Khảnh hay ông Giang không phải là trường hợp cá biệt. Việc người tuổi hưu có nhu cầu vay vốn để phục vụ các nhu cầu đa dạng như kinh doanh hay tiêu dùng cá nhân là có thật, thậm chí, nhu cầu là rất lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận nguồn vốn chính thống từ ngân hàng bởi lo ngại thủ tục rườm rà, đi lại khó khăn,…

Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận vào thực tế, rằng mặc dù pháp luật quy định, chỉ cần là công dân đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì đều có quyền được tiếp cận tín dụng tại các ngân hàng, nhưng trên thực tế, người tuổi hưu thường gặp nhiều rào cản hơn khi để đảm bảo khả năng thu hồi vốn, đa số các ngân hàng đều có những quy định riêng về độ tuổi vay đối với từng loại hình thức vay khác nhau.

Điều này càng khiến cho “cánh cửa” tiếp cận vốn ngân hàng của người tuổi hưu thêm bị thu hẹp, cũng “vô tình” tạo điều kiện cho nạn tín dụng đen hoành hành, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi việc tiếp cận với thông tin của người dân còn nhiều hạn chế.

Hy vọng mới cho khách hàng tuổi hưu

Nắm bắt được nhu cầu trên, một số ngân hàng đã cho ra những sản phẩm riêng biệt, được thiết kế riêng cho khách hàng tuổi hưu với nhiều ưu đãi lớn, trong đó phải kể để sản phẩm “Tín dụng hưu trí” – một trong những sản phẩm tiên phong dành cho khách hàng tuổi hưu của LienVietPostBank.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, đây là sản phẩm tín dụng đặc trưng của LienVietPostBank, được ngân hàng xây dựng và triển khai từ năm 2014 trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, thói quen giao dịch riêng của khách hàng hưu trí trên hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng.

Theo đó, khách hàng tuổi hưu có thể vay vốn với hạn mức lên tới 500 triệu đồng với mức lãi suất vô cùng cạnh tranh, thời hạn vay dài đến 5 năm, độ tuổi cho vay tối đa được mở rộng lên tới 75 tuổi.

Đặc biệt, để thuận lợi và an toàn cho các khách hàng đang vay tín dụng hưu trí, LienVietPostBank còn cung cấp sản phẩm thẻ ATM hưu trí với nhiều ưu đãi lớn giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian, dễ dàng nhận lương dù ở bất cứ nơi đâu và chủ động trong việc thanh toán khoản vay cũng như giao dịch thường ngày.

“Với sản phẩm tín dụng hưu trí, chúng tôi mong muốn cung cấp cho khách hàng gói giải pháp tài chính tiện ích để bổ sung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp khách hàng là người cao tuổi có thể tự chủ tài chính sau khi về hưu, chủ động khi tiếp tục tham gia sản xuất kinh doanh tại gia đình hoặc cùng con cháu, hoặc chỉ đơn giản nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hợp pháp như xây sửa nhà, mua sắm, hỗ trợ con cái…” - lãnh đạo LienVietPostBank cho biết.

Đặc biệt, với lợi thế mạng lưới phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước, khách hàng độ tuổi hưu của ngân hàng Bưu điện Liên Việt tại tất cả khu vực vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại, an toàn một cách nhanh chóng và thuận tiện.

“Khác với trước đây khi mọi người phải ra phòng giao dịch lấy số, xếp hàng, điền rất nhiều loại giấy tờ mới có thể hoàn thành thủ tục vay vốn, LienVietPostBank có chính sách riêng dành cho người cao tuổi có thể dễ dàng để tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không cần phải đi lại nhiều lần do việc cung cấp sản phẩm được ngân hàng tư vấn cung cấp tại các phòng giao dịch của ngân hàng và tại các điểm chi trả lương hưu trên địa bàn cả nước” - lãnh đạo này cho biết.

Cũng nhờ những chính sách đặc biệt này của ngân hàng mà rất nhiều khách hàng tuổi hưu như ông Giang, ông Khảnh đã có thể được vay vốn để thực hiện kế hoạch của mình.

Theo lãnh đạo LienVietPostBank, năm 2022, ngân hàng đã thực hiện giải ngân 32.624 khoản vay cho đối tượng là khách hàng tuổi hưu với số tiền giải ngân lên tới 4.373,8 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 31/12/2022 lên tới 10.075,6 tỷ đồng

"Chúng tôi rất vui mừng khi có thể góp phần phổ cập tài chính vi mô và giải quyết tình trạng tín dụng đen tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tạo cơ hội thuận tiện cho khách hàng tuổi hưu được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại, an toàn, giúp họ thực hiện các kế hoạch tài chính và có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng chính là chương trình nhằm hiện thực hóa cam kết, cũng chính là phương châm hoạt động của ngân hàng: “Gắn xã hội trong kinh doanh” mà LienVietPostBank đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi trong tương lai” - lãnh đạo LienVietPostBank nói./.