Blue-chips chưa hấp dẫn dòng tiền

Sau khi VN-Index đột phá thành công qua đỉnh cao lịch sử 1.500 điểm, bao nhiêu công lao của các blue-chips lại bị lãng quên. Nhóm này giao dịch không tốt, tiền vào sụt giảm và giá thì điều chỉnh. Trong khi đó các nhà đầu cơ mạo hiểm lại hưởng lợi với cổ phiếu nhỏ tăng trần hàng loạt.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có khả năng điều tiết VN-Index hôm nay chuyển sang trạng thái giằng co. VIC quay đầu giảm mạnh 2,2%, VRE giảm 2,39%. Ngược lại, GAS bật tăng 3,66%, BID tăng 3,16%. Hiệu quả của sự giằng co này là VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,09 điểm so với tham chiếu.

Blue-chips giằng co, cổ phiếu đầu cơ tăng bùng nổ
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Mức giảm này thực ra rất “ấn tượng” nếu nhìn vào mặt bằng giá của nhóm blue-chips. Chỉ số VN30-Index giảm tới 0,82% tương đương 12,71 điểm so với tham chiếu. Số mã giảm giá ở rổ này gấp 2,6 lần số mã tăng. Nếu không có sức mạnh của GAS và BID thì VN-Index đã bị ảnh hưởng nặng. Hai mã này rất lớn đối với VN-Index, nhưng lại không lớn đối với VN30-Index.

Cổ phiếu dầu khí là điểm sáng hiếm hoi đối với các blue-chips. Ngoài GAS, PLX cũng tăng 1,44%. Trong khi đó ngân hàng phân hóa mạnh. BID, VCB, MBB tăng chỉ là cá biệt. Rất nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, trong đó có CTG giảm 2,35%, TPB giảm 2,38%, STB giảm 2,29%, SHB giảm 1,78%, VPB giảm 1,56%, ACB giảm 1,33%.

Đặc biệt thanh khoản của nhóm VN30 sụt giảm tới 14% so với hôm qua, đạt hơn 8,7 ngàn tỷ đồng, thấp nhất 4 phiên tuần này. Cổ phiếu ngân hàng giảm thanh khoản rõ rệt khi tất cả các mã nhóm này trên HoSE chỉ giao dịch được hơn 3,9 ngàn tỷ đồng, thấp nhất 5 phiên.

Các blue-chips chưa hấp dẫn được dòng tiền dù VN-Index vượt đỉnh lịch sử là điều khá bất ngờ. Không nhiều blue-chips duy trì được mức thanh khoản cao. STB phiên này giao dịch lớn nhất với 910 tỷ đồng và 28,1 triệu cổ, thực ra vẫn giảm khoảng 26% so với hôm qua. HPG giảm thanh khoản khoảng 5%, VHM giảm 22%...

Mức sinh lời thấp vẫn là hạn chế lớn nhất của nhóm blue-chips, chỉ phù hợp với các nhà đầu tư. Xu hướng nổi bật hiện tại là làn sóng đầu cơ các mã nhỏ, có thể sinh lời vài chục phần trăm trong một tuần. Do xu hướng này vẫn còn hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư mới vào nên dòng tiền nóng liên tục được bổ sung, dù đã phải trải qua nhiều đợt xả và điều chỉnh mạnh trước đó.

Đâu là đỉnh của thanh khoản dòng tiền đầu cơ?

Nếu chỉ nhìn vào con số giao dịch cuối ngày thì hôm nay thanh khoản tại các nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn chưa lớn đột biến. Chẳng hạn nhóm smallcap sàn HoSE phiên này giảm 8% giá trị khớp lệnh so với hôm qua, chỉ đạt 5.693 tỷ đồng. Trong khi đó đỉnh kỷ lục về thanh khoản ở nhóm này là 8.608 tỷ đồng hôm 3/11/2021. Sàn UpCOM cũng thế, hôm nay giảm thanh khoản 3% so với hôm qua, đạt 2.561 tỷ đồng và đỉnh kỷ lục là 4.943 tỷ đồng ngày 19/11/2021.

Tuy vậy, một hiện tượng phải lưu ý là rất nhiều cổ phiếu nóng hôm nay chưa được đáp ứng, hay nói theo ngôn ngữ thị trường là “trắng bên bán”. Khi không có thêm người bán ra thì lượng cầu bị dư lại không được tính vào thanh khoản hàng ngày. Ví dụ PVX trên UpCOM còn dư mua tới trên 13,7 triệu cổ phiếu giá trần 8.000 đồng, nghĩa là có thể gia tăng thanh khoản đâu đó 110 tỷ đồng nữa bên cạnh mức giao dịch 26,6 tỷ đồng thành công trong ngày. Nhiều cổ phiếu dạng này cho thấy tiềm năng thanh khoản ở các cổ phiếu đầu cơ vẫn còn nhiều.

Rất nhiều cổ phiếu đầu cơ vẫn đang tăng giá chóng mặt, bất chấp đã tăng bằng lần trước đó. Không thể có yếu tố cơ bản nào theo kịp tốc độ tăng giá như vậy và làn sóng đầu cơ này đang phụ thuộc vào dòng tiền đến sau. Khi vẫn liên tục có nhà đầu tư mới nhảy vào, được hấp dẫn bằng các lời phím hàng, hô hào thì sức cầu vẫn còn. Thậm chí đang có những nhà đầu tư lớn không “nhịn” được, cũng tham gia vào cuộc chơi đầu cơ này.

Blue-chips giằng co, cổ phiếu đầu cơ tăng bùng nổ

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

29.181 tỷ đồng (-12%)

951,5 triệu (-12%)

4.073 tỷ đồng (+5%)

143,9 triệu (+3%)