Sẽ sớm tháo gỡ khó khăn cho địa phương,

Sẽ sớm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, tạo nguồn lực giải phóng mặt bằng làm đất sạch đấu giá.

Tỷ lệ nợ đọng thuế giảm dần qua các năm

Quan tâm đến vấn đề quản lý thuế, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đánh giá Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế. Tuy nhiên, nợ đọng thuế vẫn còn cao, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để thu hồi nợ đọng, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp thu hồi theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Các năm gần đây, mức thu nợ đọng thuế đã đạt khoảng 82% số nợ đọng có khả năng thu.

Cụ thể, năm 2016 đã thu được 40.049 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Năm 2017 thu được 44.773 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và 9 tháng đầu năm 2018 thu được 25.382 tỷ đồng, đạt 61% số tiền nợ đọng thuế có khả năng thu hồi đến ngày 31/12/2017. Đồng thời hàng năm, Bộ đã đôn đốc, thu hồi các khoản thuế truy thu, tiền phạt theo kết luận của cơ quan kiểm toán và đạt trên 80% số kiến nghị tăng thu. Tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa cũng như tỷ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh qua các năm.

“Tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa của Việt Nam hiện nay ở mức khoảng 7,5%, trong khi các nước trong khu vực ASEAN bình quân là 8,5%, các nước OECD là 9,2%”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với đánh giá của đại biểu là tổng số nợ thuế hiện nay còn lớn. Tính đến cuối tháng 9/2018, số nợ đang tồn đọng là 82.961 tỷ đồng, trong đó nợ thuế không có khả năng thu hồi chiếm 42,1%, tăng 11% so với cuối năm 2017, tiền phạt vi phạm hành chính thuế và chậm nộp thuế chiếm tỷ trọng 20% và tăng 6%.

Nguyên nhân nợ thuế, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ yếu do số nợ đọng không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể phá sản, không còn hoạt động và tiền phạt, tiền chậm nộp tính 0,03%/1 ngày. Bộ đang tổng hợp rà soát phân tích và báo cáo Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi.

Về các biện pháp giảm nợ đọng, gần đây nhất Bộ Tài chính có Chỉ thị số 04 của Bộ trưởng về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ để giảm nợ đọng thuế. Bộ đã giao chỉ tiêu thu nợ cho từng chi cục thuế, đến từng bộ phận, phân công từng cán bộ, công chức thu nợ và áp dụng kiên quyết các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế và công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ trên phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý thuế.

Cổ phần hoá: Cần sự vào cuộc đồng bộ để xử lý vấn đề đất đai

Tiếp tục trả lời đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) về quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau CPH ở mỗi địa phương trước hết là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Trên thực tế, một số DN sau CPH đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của Nhà nước như việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không để thu hồi, để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã trình với Chính phủ ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước về công ty cổ phần, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Theo đó, phương án sử dụng đất của DN CPH phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm CPH. Sau CPH, công ty cổ phần phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của DN theo đúng mục đích và phương án đã được phê duyệt. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải được thu hồi để đấu giá theo quy định.

Đánh giá việc quản lý đất đai nói chung, trong đó có đất đai của DN trước, sau CPH nói riêng là vấn đề hệ trọng, Bộ trưởng cho biết thời gian qua đã có một số trường hợp không đấu giá đất, dẫn đến có nhiều ý kiến cho rằng đây là thất thoát và lãng phí. Một số ý kiến cũng lo ngại vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất ảnh hưởng đến quá trình CPH của DN.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng cho biết về cơ chế chính sách cơ bản không còn vướng mắc. Nghị định 126 đã quy định rõ các địa phương nơi DN CPH có sử dụng đất thì chịu trách nhiệm phê duyệt phương án sử dụng đất của DN sau CPH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều DN sử dụng đất ở các địa phương khi triển khai đã bị chậm trễ. “Do vậy, mặc dù kế hoạch năm nay CPH 85 DN nhưng đến nay mới có 12 DN được phê duyệt và điều này rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, các cấp, các ngành”, Bộ trưởng đề nghị.

Sẽ có giải pháp khắc phục hạn chế ở các dự án BT

Băn khoăn về kẽ hở gây thất thoát ngân sách khi lựa chọn nhà thầu, đổi đất lấy hạ tầng ở các dự án BT, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới.

Thừa nhận có hạn chế này, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề rất phức tạp, Bộ Tài chính đã báo cáo và Chính phủ cũng đã họp rất nhiều lần. Lãnh đạo Chính phủ đã có thông báo cho tạm dừng thanh toán BT bằng đất và giao Bộ Tài chính hướng dẫn. Vừa qua, Chính phủ đã nhất trí giao Bộ Tài chính dự thảo nghị quyết của Chính phủ về hướng dẫn dự án chuyển tiếp. Hiện dự thảo đã xong và Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Về hiện tượng đổi ngang giá trong dự án BT gây thất thoát, theo Bộ trưởng, vấn đề đại biểu nêu là rất đúng. Phần lớn các địa phương khi triển khai thực hiện đối với dự án thanh toán BT bằng đất đều chỉ định thầu cả 2 đầu. Tới đây, dự kiến sẽ có quy định mới chặt chẽ hơn theo tinh thần có 2 ngang giá là: ngang về giá trị dự án và giá trị đất hoặc tài sản công; ngang về hiện vật. Việc quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo ngang giá trị nhưng cũng ngang về hiện vật, tránh tình trạng chuyển sang chỉ định thầu dự án sử dụng đất.

Theo quy định của Luật Đất đai, các địa phương phải đưa ra các dự án đất sạch để đấu giá. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương hiện gặp khó khăn về nguồn lực để giải phóng mặt bằng. Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đề xuất giải pháp với Thủ tướng theo cách cho địa phương vay theo quy định đảm bảo quản lý bội chi trong năm để có nguồn lực giải phóng mặt bằng làm đất sạch đấu giá. “Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết này, tháo gỡ khó khăn cho địa phương”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin tới đại biểu.

H.Y