Bức tranh kinh tế đang từng bước  “sáng” hơn
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung

Đầu tư công, vốn FDI là “điểm sáng”

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này đã cao dần so với các quý trước của năm. Cụ thể, quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, mức này thấp hơn đáng kể so với tốc độ 7,35%, 7,3% của cùng kỳ năm 2018, 2019 và 8,85% của năm 2022.

Về lạm phát, CPI tháng 9 tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%. CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% (tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước). Lạm phát cơ bản tăng 4,49%, là mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua

Trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,53 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 3,6%. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11%, trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%.

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 8 xuất siêu 3,44 tỷ USD; 8 tháng xuất siêu 19,39 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 37,94 tỷ USD.

Trong lĩnh vực du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9/2023 đạt hơn 1 triệu lượt người, giảm 13,4% so với tháng trước và gấp 2,4 lần cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019.

Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 9 tháng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng chỉ tiêu này của quý III đạt 7,6% cao hơn mức tăng của quý II (5,6%) và quý I (3,6%). Điều này phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 ước đạt 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% (cùng kỳ năm 2022 bằng 56% và tăng 20,3%).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2%, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2019 đến nay.

Kịch bản khả quan nhất là tăng trưởng 5,8%

Kết quả tăng trưởng GDP quý III không quá bất ngờ khi tình hình kinh tế từ đầu năm đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP từ quý I, quý II đã cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng đã đề ra đầu năm. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, muốn đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm 2023 như kế hoạch, thì trong quý III và quý IV phải tăng trưởng được từ 8 - 9%. Đây là một nhiệm vụ hết sức thách thức.

Đánh giá chung, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế quý III khả quan hơn so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2022. Đây cũng là tình hình chung của các nước trên thế giới và trong khu vực, khi tăng trưởng năm nay đều giảm hơn so với năm ngoái. Với nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam có thể ở mức 4,3 - 4,5%, với kịch bản khả quan nhất là 5,8%. Cho rằng dự báo này là khá sát thực tế, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhận định dù kết quả có thể chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng là mức cao trong khu vực và trong bối cảnh chung.

Đối với mục tiêu của cả giai đoạn 5 năm, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng mặc dù kết quả 3 năm qua là tích cực so với mặt bằng chung của thế giới, nhưng so với mục tiêu đề ra cho từng năm và cho cả 5 năm thì chưa đạt. Đây là thách thức rất lớn đối với mục tiêu của cả giai đoạn 5 năm, khi mà hai năm còn lại phải tăng trưởng 8 - 9% mới có thể đạt mục tiêu đề ra.

Thu nhập bình quân của người lao động tăng 451.000 đồng/tháng

Thu nhập bình quân của lao động quý III/2023 là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 146.000 đồng so với quý II/2023 và tăng 359.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 6,8%, tương ứng tăng 451.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,6 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,1 triệu đồng/tháng.

TS. CẤN VĂN LỰC - CHUYÊN GIA KINH TẾ TRƯỞNG BIDV:

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 dự báo đạt 6%

Bức tranh kinh tế đang từng bước  “sáng” hơn
TS. Cấn Văn Lực

Tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 - 5,5%, theo nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 - 4,5%. Trong đó,

đóng góp của khai khoáng còn 0 điểm % do giá dầu giảm so với kịch bản cơ sở; của công nghiệp chế biến, chế tạo giảm còn 0,8 - 0,9 điểm %, do xuất khẩu giảm so với kịch bản cơ sở và của dịch vụ giảm còn 2,8 - 3 điểm %.

Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng có thể đạt 5,5 - 6%. Một nghiên cứu của ADB năm 2022 đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam tăng thêm 0,63 - 1,35 điểm % với chuyển đổi số mạnh mẽ và 1,2 - 1,85 điểm % với chuyển đổi số vượt bậc. Còn nếu hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,28 điểm % hoặc mức cao hơn.

BÀ PHÍ HƯƠNG NGA - VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG (TỔNG CỤC THỐNG KÊ):

Vốn FDI phục hồi, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng

Bức tranh kinh tế đang từng bước  “sáng” hơn
Bà Phí Hương Nga

Những khó khăn của kinh tế thế giới đã gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu

trong năm 2022 và tiếp tục sang 2023, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Điều này thể hiện rõ ở con số giảm 24,6% so với cùng kỳ của vốn FDI đăng ký năm 2022.

Tuy vậy, tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư đạt trên 20,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, chỉ tính riêng trong quý III/2023, dòng vốn FDI đăng ký đã tăng 12%. Số liệu này cho thấy rõ tín hiệu tích cực trong thu hút FDI, thể hiện sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong quý III/2023. Đây là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

BÀ NGUYỄN THU OANH - VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ GIÁ (TỔNG CỤC THỐNG KÊ):

Thận trọng với lạm phát trong những tháng cuối năm

Bức tranh kinh tế đang từng bước  “sáng” hơn
Bà Nguyễn Thu Oanh

Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 4,49%, cao hơn lạm phát chung (3,16%) và là mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua.

Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, nhiều yếu tố dự kiến tác động đến tình hình lạm phát. Cụ thể lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 đã tác động đến giá

hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội; giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản. Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu…

Những điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp./.