Chính phủ huy động vốn vay từ trong nước là chủ yếu

Theo báo cáo của Chính phủ vừa trình Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023 cho thấy, nguồn huy động vốn của Chính phủ chủ yếu là vay trong nước 569.976 tỷ đồng (chiếm 92%), chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP); rút vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 49.515 tỷ đồng (chiếm 8%), trong đó cấp phát ngân sách trung ương (NSTW) khoảng 30.070 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 19.446 tỷ đồng.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành là 114.782 tỷ đồng, tương đương 28,7% kế hoạch năm, trong đó toàn bộ trái phiếu chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu và có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.

Nguồn: Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Biểu đồ: Thế Dương
Nguồn: Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Biểu đồ: Thế Dương

Chính phủ đã đàm phán, ký kết 2 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng giá trị khoảng 184,6 triệu USD, bao gồm: Hiệp định với Hàn Quốc trị giá khoảng 33,6 triệu USD, lãi suất vay 0,1%/năm, thời hạn vay 40 năm có 10 năm ân hạn và Hiệp định với Nhật Bản trị giá khoảng 151 triệu USD, lãi suất vay 0,1%/năm, thời hạn vay 40 năm có 10 năm ân hạn. Dự kiến đến cuối năm 2022, sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết 6 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, với tổng trị giá khoảng 188 triệu USD.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN - Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện quy định của pháp luật, các khoản vay vốn nước ngoài mới đều phải được xem xét kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các nghị quyết của Quốc hội. Do đó, các hiệp định/thỏa thuận vay sẽ được đàm phán, ký kết năm 2022 và các năm tiếp theo dự báo sẽ thu hẹp hơn so với giai đoạn Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn ODA, nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá, lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ

Đánh giá về tình hình quản lý nợ công năm 2022, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.

Cơ cấu nợ chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ chính phủ, chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm tính đến 14/9/2022); nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.

Chủ nợ đối với danh mục nợ của Chính phủ đa dạng. Đối với nợ trong nước, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP đã được phát triển theo hướng đa dạng, tăng cường vai trò của các nhà đầu tư dài hạn, giảm dần tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại. Đến cuối tháng 8 năm 2022, tỷ lệ nắm giữ TPCP của khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) và các quỹ đầu tư, công ty tài chính đạt khoảng 61% tổng dư nợ, đảm bảo mục tiêu các tổ chức phi ngân hàng nắm giữ 60% tổng dư nợ TPCP đến năm 2030. Đối với nợ nước ngoài, chủ nợ chủ yếu là các đối tác phát triển song phương và đa phương như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á.

Ký kết 2 hiệp định vay ODA trị giá 184,6 triệu USD

Chính phủ đã đàm phán, ký kết 2 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng giá trị khoảng 184,6 triệu USD, bao gồm: Hiệp định với Hàn Quốc trị giá khoảng 33,6 triệu USD, lãi suất vay 0,1%/năm, thời hạn vay 40 năm có 10 năm ân hạn và Hiệp định với Nhật Bản trị giá khoảng 151 triệu USD, lãi suất vay 0,1%/năm, thời hạn vay 40 năm có 10 năm ân hạn. Dự kiến đến cuối năm 2022, sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết 6 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, với tổng trị giá khoảng 188 triệu USD.

Công tác quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn. Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng để tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả.

Căn cứ Luật Quản lý nợ công và Nghị quyết 07-NQ/TW, thời gian qua việc huy động vốn để đáp ứng nhiệm vụ chi của NSNN đã đạt kết quả tích cực, từng bước sát với nhu cầu thực tế, giảm thiểu rủi ro. Đối với huy động TPCP trong nước, kỳ hạn, lãi suất đã diễn biến thuận lợi hơn giai đoạn trước. Các nguồn lực có chi phí thấp được sử dụng linh hoạt, cơ sở nhà đầu tư được đa dạng hóa để giảm thiểu phụ thuộc vào ngân hàng thương mại. Đối với huy động vốn ODA, ưu đãi nước ngoài, trong bối cảnh vốn ODA giảm, điều kiện vay tiến sát thị trường, các chương trình, dự án được sàng lọc kỹ và phải hoàn thành thủ tục đầu tư mới đàm phán ký kết đảm bảo lợi ích quốc gia.

Việt Nam triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia thể hiện qua việc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam liên tục được các tổ chức nâng hạng. Ngày 26/5/2022 tổ chức S&P nâng từ mức BB lên mức BB+, triển vọng Ổn định; ngày 6/9/2022 tổ chức Moody’s nâng từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Hiệu quả kiểm soát nợ công an toàn, bền vững trong khi vẫn điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế được các tổ chức xếp hạng ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. So với mục tiêu đạt mức xếp hạng Đầu tư đề ra tại Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030, Việt Nam còn cách một bậc đối với thang điểm của S&P và hai bậc đối với thang điểm của Moody’s.