Nhiều địa phương khẩn trương đưa vốn công đến với công trình, dự án
TP. Cần Thơ tích cực thúc đẩy giải ngân đưa vốn đến kể triển khai các côn trình. Ảnh minh họa

Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng

Tính đến năm 2023, TP. Cần Thơ đã có 20 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, việc giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) cho các dự án trọng điểm càng được thành phố hết sức coi trọng.

Theo báo cáo từ UBND TP. Cần Thơ, tổng vốn ĐTC năm 2023 của thành phố là 8.537 tỷ đồng. Đến hết ngày 31/1/2024, toàn thành phố thực hiện giải ngân được 7.732 tỷ đồng, đạt 90,6% so với tổng kế hoạch vốn và đạt trên 98% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (7.875 tỷ đồng).

Phát huy vai trò người đứng đầu

Với kết quả giải ngân vốn ĐTC trong năm 2022 và 2023 cho thấy, tại địa phương nào, người đứng đầu quan tâm, sát sao trong các chỉ đạo và đôn đốc thực hiện thì địa phương đó có kết quả giải ngân tốt. Do đó, trong năm 2024, phát huy vai trò người đứng đầu vẫn là yêu cầu tiên quyết đối với từng địa phương trong giải ngân vốn ĐTC.

Để đạt được tỷ lệ giải ngân này, ngay từ đầu năm 2023, UBND TP. Cần Thơ đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm các quy định của thành phố để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC đã được bố trí trong năm. Đồng thời, cơ quan chức năng bám sát, đôn đốc chủ đầu tư lập, gửi hồ sơ, chứng từ thanh toán khi có khối lượng hoàn thành ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn vào thời điểm cuối năm; thường xuyên rà soát thủ tục, quy trình kiểm soát thanh toán, rút ngắn tối đa thời gian kiểm soát chi; nâng cao chất lượng giao dịch qua chương trình dịch vụ công của kho bạc nhà nước (KBNN); hồ sơ, chứng từ gửi đến KBNN nếu đảm bảo đúng yêu cầu phải được tiếp nhận và xử lý ngay từ lần đầu tiếp nhận; 100% hồ sơ, chứng từ được giải quyết đúng hẹn và trước hẹn; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do. Những hồ sơ có thời gian kiểm soát, thanh toán theo quy định là 3 ngày làm việc được rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn từ 1 - 2 ngày làm việc.

Mặc dù đạt tỷ lệ giải ngân cao, nhưng theo UBND TP. Cần Thơ, vướng mắc lớn nhất của thành phố trong công tác giải ngân hiện nay chính là việc bồi thường và giải phóng mặt bằng (GPMB). Để giải quyết tận gốc vấn đề này, giúp cho công tác giải ngân vốn ĐTC năm 2024 được thuận lợi, UBND TP. Cần Thơ đang yêu cầu các địa phương tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng để các dự án sớm được triển khai.

Đặc biệt, lãnh đạo TP. Cần Thơ đã yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, trung tâm phát triển quỹ đất để sớm hoàn thành việc đo đạc, kiểm kê, bồi thường, áp giá đảm bảo công bằng nhằm tạo sự đồng thuận cao của người dân khi bị thu hồi đất cho việc thực hiện dự án.

Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng thứ 4 cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt cao. Phát huy kết quả này và phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó chủ đạo là nguồn vốn ĐTC để tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo báo cáo của tỉnh, sau gần 3 năm triển khai kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, phần lớn các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh việc hoàn thiện, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Theo đó, một số dự án ĐTC trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả như: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội, đường Phú Mỹ - Thuận An, đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa), các dự án chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp...

Tuy nhiên, cũng như Cần Thơ, tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác GPMB. Do đó, để “tiêu” hết nguồn vốn ĐTC được giao trong năm 2024, ngoài thực hiện các giải pháp đã đề ra, tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư dồn lực cho công tác GPMB, tạo nguồn đất sạch thực hiện các dự án.

Mỗi địa phương đều có giải pháp để “tiêu hết tiền”

Nhiều địa phương khẩn trương đưa vốn công đến với công trình, dự án
Ảnh minh họa

Xác định giải ngân vốn ĐTC giúp tăng trưởng kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, tại mỗi địa phương cũng đưa ra các yêu cầu, giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân vốn ĐTC năm 2024.

Đơn cử như tỉnh Long An, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ ĐTC; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn vốn bổ sung cho ĐTC, nhất là bố trí vốn cho bồi thường GPMB và các dự án cấp bách, bức xúc đang cần nguồn vốn để triển khai.

Nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và phấn đấu giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm hơn nữa với vai trò là chủ đầu tư và cần quyết liệt, chủ động, tích cực triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án trong năm 2024.

Đồng thời, chính quyền tỉnh yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập (nếu có). Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC, không để tình trạng ĐTC chậm trễ, kéo dài, kém hiệu quả trong khi nguồn lực hạn chế, dư luận bức xúc, quan tâm.

Cũng giống như Long An và Đồng Tháp, để giải ngân nhanh nguồn vốn ĐTC được giao, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kiểm soát chặt chẽ thời gian thực hiện các gói thầu thi công, thiết bị để nhanh chóng đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng…