Tỷ lệ giảm xuống chỉ 34%

Các tiêu chuẩn về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là các ngân hàng) được thực hiện theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các ngân hàng. Thông tư 22 sau đó có được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thông tư 22 và Thông tư 08, các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ phải giảm 34% (hiện nay đang là 37%) và tiếp đó từ ngày 1/10/2023 trở đi, tỷ lệ này phải giảm xuống chỉ còn 30%. Ngoài quy định về tỷ lệ nêu trên, các nội dung cơ bản khác của Thông tư 22 đều hướng tới việc đảm bảo các yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng.

Nguồn: Thông tư 22/2019/TT-NHNN và Thông tư 08 08/2020/TT-NHNN Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Thông tư 08 08/2020/TT-NHNN Đồ họa: Văn Chung

Thời gian 2 năm qua, dịch Covid-19 kéo dài ít nhiều gây khó khăn cho các ngân hàng nhưng giới chuyên gia vẫn cho rằng, không nên nới thời hạn kéo dài lộ trình quy định tại Thông tư 22 và Thông tư 08. Lý do là, nếu trì hoãn sẽ không có lợi cho chính các ngân hàng và thời điểm này là lúc các ngân hàng phải tự nỗ lực để cải thiện các chỉ số tài chính.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thứ ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Thông tư 22 đã được ban hành với lộ trình rõ ràng, do đó cần phải thực hiện nghiêm túc, dứt khoát tháng 10/2022 các ngân hàng phải đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt tỷ lệ 34% như quy định. “Tôi rất ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong việc không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 22 vì tôi cho rằng, chỉ có như vậy hoạt động thị trường vốn và thị trường tiền tệ mới lành mạnh được” - ông Hùng nói.

Nâng vốn dài hạn để đáp ứng yêu cầu mới

Thời gian gần đây, khi lộ trình bắt buộc phải thực hiện các quy định về an toàn vốn như quy định tại các Thông tư 22 và 08, các ngân hàng đã có những động thái “xoay sở” phương án để nâng tỷ lệ vốn trung dài hạn lên nhằm đáp ứng các yêu cầu mới.

Một trong những phương án được các ngân hàng được tận dụng triệt để là việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Theo đó, nhóm các ngân hàng đang tiếp tục thể hiện sự ảnh hưởng lớn của mình trên thị trường trái phiếu với vị trí là nhóm dẫn đầu về phát hành trái phiếu riêng lẻ trong 8 tháng năm 2022, khi đạt tỷ lệ phát hành chiếm 38,25% tổng giá trị toàn thị trường. Việc các ngân hàng tham gia mạnh với vai trò nhà phát hành trên thị trường trái phiếu thời gian qua ngoài đáp ứng nhu cầu vốn cho chính các ngân hàng, cũng được một số chuyên gia kinh tế ủng hộ với vai trò gây dựng lòng tin trên thị trường này. TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, thời gian tới nên tiếp tục khuyến khích các ngân hàng phát hành trái phiếu vì ngân hàng phát hành thì dễ lấy được niềm tin hơn so với các doanh nghiệp khác.

Một số yêu cầu khác về an toàn vốn quy định trong Thông tư 22

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Các ngân hàng cũng phải ban hành quy định nội bộ về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, được xây dựng trên nguyên tắc quản lý rủi ro đối với tài sản, căn cứ vào nhu cầu, đặc điểm, mức độ rủi ro trong hoạt động, xem xét đến chu kỳ kinh doanh, khả năng thích ứng với rủi ro và chiến lược kinh doanh của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong khi đó, thời gian gần đây nhiều ngân hàng cũng đang có động thái tiếp tục tăng vốn và việc này cũng phần nào cải thiện tỷ lệ vốn trung và dài hạn của các ngân hàng.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quyết định về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Theo đó, NCB được tăng vốn lên hơn 5.600 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và một phần phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động.

Trước đó trong tháng 8/2022, một số ngân hàng khác cũng được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng vốn điều lệ như Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HD Bank) được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.031 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) được tăng vốn điều lệ tối đa thêm 22.377 tỷ đồng. Ngoài ra, hồi đầu năm 2022, đại hội đồng cổ đông của hầu hết các ngân hàng đều chọn phương án không chia cổ tức hoặc chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, đây cũng là giải pháp thông thường của các ngân hàng để giữ lại cổ tức bổ sung thêm vào vốn dài hạn của ngân hàng.