Ngành Tài chính tiên phong, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Thể hiện quyết tâm cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp của Bộ Tài chính
Cải cách thủ tục hành chính là “gói cứu trợ” được mong chờ nhất

Giữ vững “phong độ” dẫn đầu và “top” đầu

Về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), theo kết quả năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 94,84/100 điểm.

Đây là năm thứ 7 liên tục (từ năm 2014-2020) Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 Bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Cải cách là động lực phát triển của ngành Tài chính
Cơ quan Hải quan ứng dụng công nghệ hiện đại, hỗ trợ công tác quản lý. Ảnh: TL.

Về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu Bảng xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

Với kết quả này, đây là năm thứ 8 liên tiếp (từ năm 2013-2020), Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo kết quả đánh giá Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2021 của Việt Nam do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), 2 chỉ số liên quan tới Bộ Tài chính đều tăng hạng, cụ thể: Chỉ số Giá trị vốn hóa các công ty niêm yết đạt 55,8 điểm, qua đó tăng 1 bậc so với đánh giá năm 2020 (từ vị trí 32 lên vị trí 31) và tăng 10 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 41 lên vị trí 31). Chỉ số Mức thuế quan áp dụng bình quân gia quyền/tất cả các sản phẩm đạt 1,7 điểm, qua đó tăng xếp hạng 61 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 21) so với năm 2020 và tăng 40 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 61 lên vị trí 21).

Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng của Bộ Tài chính. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, đánh giá tác động thủ tục hành chính đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, đặc biệt chú trọng đối với lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng cao và phát triển theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ. Tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính năm 2021 tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...

Cải thiện chỉ số nộp thuế và chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục phấn đấu giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp trong việc tuân thủ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài chính, trong năm 2022, Bộ Tài chính tập trung đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Về cải cách thủ tục hành chính, sẽ thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện đánh giá tác động của các thủ tục ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản, nhằm ngăn chặn ngay từ khâu dự thảo các quy định thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, bảo đảm chỉ ban hành những thủ tục hành chính cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả.

Năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức triển khai có kết quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính, giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh kiểm tra thuế, hải quan và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài chính nhằm cải thiện chỉ số nộp thuế và chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới trong đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam về chỉ số môi trường kinh doanh.

Đáng lưu ý, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính cập nhật, duy trì và tổ chức triển khai Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, Kiến trúc mức chi tiết tại cơ quan Bộ; xây dựng, triển khai các ứng dụng/hệ thống thông tin/dữ liệu dùng chung, nền tảng công nghệ dùng chung phục vụ tích hợp, liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong toàn ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành.

Đồng thời, chuẩn hoá, điện tử hoá các quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, các biểu mẫu, chế độ báo cáo định kỳ; tăng cường việc gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử, tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện số hoá hồ sơ, lưu trữ công việc điện tử của các đơn vị theo quy định; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và phát triển hệ thống thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng hệ thống pháp luật đồng bộ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ 4.0, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích quốc gia./.

Công bố bãi bỏ 198 thủ tục hành chính

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Lũy kế từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/12/2021, Bộ Tài chính đã công bố bãi bỏ 198 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 19 thủ tục hành chính, công bố mới 115 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý công sản, quản lý thuế.

Tính đến ngày 14/12/2021, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 896 thủ tục hành chính, trong đó: lĩnh vực thuế là 304 thủ tục hành chính; lĩnh vực hải quan là 243 thủ tục hành chính; lĩnh vực Kho bạc Nhà nước là 11 thủ tục hành chính; lĩnh vực dự trữ là 07 thủ tục hành chính; lĩnh vực chứng khoán là 104 thủ tục hành chính; lĩnh vực tài chính chung là 227 thủ tục hành chính./.