Coi cải cách là động lực để phát triển

Bộ Tài chính luôn coi công tác cải cách hành chính (CCHC) là động lực để phát triển. Trong năm 2021, Bộ Tài chính đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) 2020, đóng góp vào thành tích 7 năm liên tiếp (từ 2014 - 2020) Bộ Tài chính đứng trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Par Index.

Ngày 19/10/2021, lần đầu tiên Bộ Tài chính được vinh danh xếp vị trí thứ Nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2020 (với giá trị DTI 0,4944) trong 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá và công bố. Đây là năm thứ 8 liên tiếp (từ 2013 - 2020), Bộ Tài chính giữ vững ngôi vị này.

Để đạt được các kết quả nêu trên đã khó, giữ vững các vị trí trong top đầu khối các bộ, ngành lại càng khó hơn. Là bộ đa ngành, đa lĩnh vực với phạm vi quản lý rộng trên cả nước, có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, nên Bộ Tài chính rất được “để ý” đến. Doanh nghiệp và người dân càng kỳ vọng thì Bộ Tài chính càng phải nỗ lực vượt lên chính bản thân mình.

Sở dĩ nói rằng vượt lên chính bản thân mình, vì công tác CCHC ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Đến nay không còn những thông tin về cắt giảm con số khủng các thủ tục hành chính (TTHC) nữa mà do phải thực hiện cắt giảm ngay từ khâu ban hành, nên số các thủ tục được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngày càng ít đi.

Nguồn: TTXVN
Nguồn: TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, những năm qua, Bộ Tài chính luôn coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai công tác này một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Công tác CCHC của Bộ Tài chính không chỉ đạt kết quả tích cực trong từng lĩnh vực riêng lẻ mà giữa các lĩnh vực đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả CCHC trong tất cả lĩnh vực tài chính. Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua để xây dựng ngành Tài chính với bộ máy tinh gọn; đội ngũ công chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, để hiện đại hóa hoạt động nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Sát cánh cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn

Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam, Bộ Tài chính là cơ quan tiếp xúc với doanh nghiệp nhiều nhất trong tất cả các bộ, ngành. Để hài lòng người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện CCHC trong các lĩnh vực do Bộ quản lý. Điều này mang tại những thay đổi lớn trong cách thức làm việc của cơ quan thuộc Bộ cũng như các doanh nghiệp.

Ông Lê Duy Bình cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ CCHC nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn, góp phần giảm chi phí, TTHC cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Thời gian gần đây, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất cho nhiều đối tượng doanh nghiệp. Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã cắt giảm tối đa các thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp được nhanh nhất, sớm nhất. Nhiều nghị định được ban hành theo hình thức rút gọn, các thủ tục nhận hỗ trợ đều được hướng dẫn thực hiện cụ thể, nghị định ban hành và có hiệu lực thực thi ngay lập tức.

Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực này của Bộ Tài chính. Khi dịch Covid-19 ảnh hưởng trăm bề, làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, doanh thu của doanh nghiệp, thì đây chính là nguồn động viên rất lớn cả về vật chất và tinh thần. Các cục thuế địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc, tận tình hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp cũng chính là việc của mình.

Theo nhận định của đại diện một số tổ chức quốc tế, Việt Nam phát triển bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn thì chính sách thuế tạo thuận lợi, khuyến khích kinh doanh phát triển là hết sức quan trọng. Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về thuế, hải quan hỗ trợ doanh nghiệp. Hàng năm, bên cạnh việc tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đều đặn tổ chức các cuộc đối thoại quy mô lớn về chính sách thuế, hải quan với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là hướng đi hợp lý, trong đó, quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng để tạo lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Thử thách chính bản thân mình

Những cải cách về giảm thời gian, chi phí nhiều khi không chỉ đo đếm được bằng tiền, mà còn bằng cơ hội, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Tại cuộc làm việc với Bộ Tài chính ngày 29/4/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Bộ Tài chính cần tập trung đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý thu chi ngân sách nhà nước, nhất là quản lý thuế, hải quan, kho bạc nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả, ổn định trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, cần dành nguồn lực cho chuyển đổi số. Bộ Tài chính phải đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn.

Thời điểm nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã khẳng định, một trong những ưu tiên trong chỉ đạo điều hành đó là, các chính sách tài chính bên cạnh việc phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, thì điều cốt yếu là phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm.

Trong năm 2021, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 1924/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài chính. Đây chính là đường hướng cho thực hiện CCHC của ngành trong cả giai đoạn. Tại Quyết định này, Bộ Tài chính xác định, quán triệt chủ trương của Đảng về CCHC trong lĩnh vực tài chính là một trong những đột phá phát triển ngành. CCHC trong lĩnh vực tài chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quy định TTHC trong lĩnh vực tài chính, mục tiêu đặt ra là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90% (con số hiện nay là 80%). Đồng thời, Bộ Tài chính đặt ra các chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu qua từng tháng, từng năm, như: Năm 2022, tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó. Đến năm 2025, 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.

Mục tiêu đề ra không phải cho có mà phải đạt được với sự giám sát của cả cộng đồng. Đây chính là cách mà ngành Tài chính thử thách chính bản thân mình.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, khó lường, yêu cầu CCHC và cải cách TTHC đối với ngành Tài chính càng lớn hơn bao giờ hết. Với các mục tiêu nêu trên, trong bối cảnh doanh nghiệp cần sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, ngành Tài chính càng phải nỗ lực với quyết tâm cao hơn nữa, đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của doanh nghiệp.