Nhiều quy định chồng chéo làm chậm tiến độ dự án

Bộ Xây dựng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Đối thoại doanh nghiệp (DN) “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan – Giải pháp để hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế”.

Cải cách thủ tục hành chính là “gói cứu trợ” được mong chờ nhất
Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn khi tiến hành các thủ tục đất đai,
giải phóng mặt bằng.

Tại hội nghị, VCCI đã công bố báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường: Một số kết quả từ khảo sát DN năm 2020”, được xây dựng từ kết quả phản hồi của 10.197 DN đang hoạt động trên toàn quốc.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI, trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, hai thủ tục dễ thực hiện nhất với các DN là kết nối cấp, thoát nước và kết nối, cấp điện. Tỷ lệ DN gặp khó khăn với hai thủ tục này thấp nhất, lần lượt là 24,3% và 27,6%. Trong khi đó, DN gặp khó khăn nhất khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ DN gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục kể trên là cao nhất, lần lượt là 50% và 48%. Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đơn giản những nhóm thủ tục liên quan đến thẩm định, thẩm duyệt, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy. Tỷ lệ DN gặp khó khăn trong việc thực hiện 3 nhóm thủ tục này lần lượt là 43,7%, 42,9% và 41,4%.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành xây dựng và đề xuất sửa đổi, bổ sung: Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản… Bộ cũng dự kiến trình Chính phủ 1 Nghị định sửa 10 Nghị định; rà soát lại các Thông tư; nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý không gian ngầm, Luật về đô thị, Luật Cấp thoát nước và các văn bản có liên quan.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá bất động sản là một ngành kinh doanh phải thực hiện các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác. Lĩnh vực này hiện chịu sự tác động của 12 luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy chữa cháy… Chính vì sự phức tạp chồng chéo này, tốc độ triển khai các dự án bất động sản bị hạn chế rất lớn làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển chung của cả nền kinh tế.

Dư địa cải cách còn rất lớn

Giải quyết những vấn đề này không thể một sớm, một chiều, song theo đại diện VACC, có một số vấn đề có thể tháo gỡ ngay để khắc phục vướng mắc cho các dự án bất động sản.

Chẳng hạn như về vấn đề đấu thầu, đấu giá dự án có sử dụng đất, cần xem xét, điều chỉnh tách bạch thành một chương riêng trong Luật Đấu thầu hoặc tách thành một luật riêng nhằm đi vào thực chất công bằng, bình đẳng trong đó cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư sử dụng đất hợp pháp khi chuyển đổi. Đồng thời, sớm giải quyết sự chồng chéo giữa các luật. Đơn cử như thống nhất các quy định giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai về thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Đối với quy định phải có 20% nhà ở xã hội trong các dự án, ông đề nghị cho phép các chủ đầu tư nộp phần chênh lệch giá trị bằng tiền vào một quỹ để Nhà nước có thể tập trung đầu tư cho các khu nhà ở xã hội tập trung, phù hợp với quy hoạch và thuận tiện cho khai thác sử dụng.

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh đề nghị cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh loại hình bất động sản du lịch, cụ thể hóa việc cấp Giấy chứng nhận về quyền sở hữu cho các chủ sở hữu bất động sản, giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tham gia đầu tư cũng như hạn chế được các tranh chấp khiếu kiện của khách hàng đầu tư về sau. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần hoàn thiện các quy định đảm bảo việc vận hành, quản lý loại hình này. Theo đó, loại hình bất động sản du lịch không nên quản lý theo hình thức của chung cư thu phí bảo trì, phí quản lý của các chủ sở hữu bất động sản du lịch; mà chủ đầu tư sẽ thỏa thuận cụ thể với các chủ sở hữu về việc quản lý vận hành theo từng năm trong suốt quá trình hoạt động của dự án.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, cải cách thủ tục hành chính được ví như là “gói cứu trợ” mà doanh nghiệp mong chờ nhất, có giá trị nhất và không tốn chi phí. Ông cho rằng, dịch Covid-19 chính là thời cơ tốt nhất, là áp lực mạnh nhất để thực hiện cải cách. “Hãy nhìn Covid như một cơ hội lịch sử để cải cách mạnh mẽ, triệt để, thực chất. Rất mong rằng nhân cơ hội này, cải cách sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ”, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị.