Trong khó khăn, kết quả kinh tế đầu năm vẫn tương đối tích cực

Kết quả tăng trưởng quý I/2023 đạt 3,32%, là mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là kết quả khá tích cực. Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong bối cảnh khó khăn gia tăng, tình hình kinh tế thế giới không thuận, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I cơ bản là tích cực, tăng trưởng GDP là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.

Nhìn lại tình hình quý I, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đánh giá có 6 điểm sáng đáng ghi nhận. Đó là, Chính phủ quyết liệt, nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, với Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 cùng nhiều nghị quyết, chỉ thị và công điện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực y tế, pháp lý, thị trường vốn, bất động sản, xăng dầu và xuất nhập khẩu... là những điểm nóng thời gian qua.

Thứ hai, lĩnh vực dịch vụ phục hồi tốt là động lực chính cho tăng trưởng cùng với đóng góp khá ổn định của lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, lạm phát đã qua đỉnh và có dấu hiệu hạ nhiệt, được kiểm soát ở mức phù hợp, cho thấy các biện pháp kiểm soát đã dần phát huy tác dụng.

Thứ tư, các cân đối lớn được đảm bảo, lãi suất giảm dần, tỷ giá ổn định.

Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các tổ công tác và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, giải ngân đầu tư công được thúc đẩy và cải thiện rõ rệt, đã đạt kết quả tích cực và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ sáu, thu NSNN duy trì xu hướng tích cực. Cơ cấu nguồn thu bền vững hơn với tỷ trọng thu nội địa chiếm 83,8% tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, với kết quả tăng trưởng khá thấp của quý I, mức nền cao của quý II và cả năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, trong nước còn tồn tại nhiều vấn đề cần thời gian xử lý, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như đã đề ra là rất thách thức.

TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 5,5 - 6%. Dù Trung Quốc đã mở cửa từ tháng 1/2023 sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng, thương mại, đầu tư, du lịch... toàn cầu và Việt Nam, song sẽ khó bù đắp được tác động tiêu cực từ môi trường quốc tế, cũng như sự sụt giảm từ các đối tác lớn của Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II phải đạt 6,7%, quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%. Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Để đạt được các mục tiêu về kinh tế vĩ mô năm 2023, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV kiến nghị, Việt Nam cần chủ động sớm chuyển trạng thái điều hành từ thắt chặt, thận trọng sang "thích ứng, nới lỏng phù hợp". Trong bối cảnh nhiều yếu tố cộng hưởng tích cực cho kiểm soát lạm phát như nêu trên, chúng ta không nên quá lo ngại về lạm phát năm nay mà quá thận trọng, kìm hãm tăng trưởng.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 và các chỉ thị, nghị quyết, nghị định gần đây của Chính phủ; đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao; nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp chính sách; thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư thông qua khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, triển khai hiệu quả các biện pháp kích cầu và du lịch trong nước; quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý... Cuối cùng là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế.

Cải cách thể chế song hành giải pháp ngắn hạn

Hoàn thiện thể chế cũng là vấn đề mấu chốt được khuyến nghị trong báo cáo đánh giá kinh tế thường niên mới đây của nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Theo báo cáo này, thực tiễn giai đoạn 2020 - 2022 khi nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cho thấy, muốn nền kinh tế hồi phục và phát triển một cách bền vững, bên cạnh những giải pháp ứng phó linh hoạt với các cú sốc, cơ bản nhất vẫn là phải cải thiện các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là về thể chế kinh tế.

Sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay Việt Nam cơ bản đã là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã liên tục xây dựng và điều chỉnh hệ thống pháp luật để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc đưa thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lên mức hơn 4.000 USD vào năm 2022, so với khoảng 200 USD những năm 1990.

Bốn động lực cơ bản hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2023

Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, động lực tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đến từ các yếu tố cơ bản có triển vọng tốt như: sau giai đoạn khó khăn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - chiếm tỷ trọng khoảng 25% GDP - đang có sức bật trở lại, với sự hỗ trợ của khu vực FDI; các ngành dịch vụ du lịch và lưu trú khôi phục trở lại, đặc biệt với sự mở cửa của thị trường Trung Quốc; đầu tư công đang được quyết liệt đẩy mạnh trong năm 2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong năm cuối cùng với quyết tâm mạnh mẽ hơn sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, sự vận hành của nền kinh tế thị trường Việt Nam đang bộc lộ một số hạn chế, đó là: việc bảo vệ quyền sở hữu chưa được tốt; nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành, hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân như thị trường ngoại hối, thị trường vàng và hàng hóa phái sinh; khu vực doanh nghiệp nhà nước còn lớn, tiến độ cổ phần hóa chững lại; hệ thống các văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo và chưa rõ ràng, gây rủi ro cho cả doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước…

“Kinh nghiệm của Việt Nam từ những lần suy giảm kinh tế trước đây cho thấy, không phải các chương trình kích cầu hay đầu tư công sẽ mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, mà chính cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khóa” - GS.TS Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đồng chủ biên báo cáo cho hay.

Theo GS.TS Tô Trung Thành, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế, từ đó mang đến cho Việt Nam một thể trạng kinh tế khỏe mạnh hơn như dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng cao…

Những bài học quá khứ cho thấy trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, xem đây là chìa khóa mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có khả năng bước vào giai đoạn suy thoái mới.

Như vậy, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, Việt Nam cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, đổi mới thể chế kinh tế và giảm thiểu rủi ro trong tương lai./.