>> Cộng đồng DN cá tra xin làm việc với Thủ tướng về Nghị định 36

>> Quy định về xuất khẩu cá tra: Lùi thời hạn chưa giải quyết được vấn đề

Trong công văn tới Thủ tướng Chính phủ về Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, Bộ NNPTNT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định này theo quy trình rút gọn.

Ngoài những kết quả đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị định 36, Bộ NNPTNT cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số hạn chế, khó khăn, trong đó nổi lên yêu cầu về chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu và thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra.

Lùi thời hạn áp dụng đến 2019

Nghị định 36 yêu cầu từ 1/1/2015, tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu không được vượt quá 10% và hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh.

Mặc dù Bộ NNPTNT khẳng định có đủ cơ sở khoa học để đưa ra các yêu cầu trên, nhưng cũng theo kết quả khảo sát tháng 4-5/2015 của Bộ này, hiện sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh sản xuất tại 26 doanh nghiệp có hàm lượng nước ≤83% chỉ chiếm 3,03%, trong khi sản phẩm có hàm lượng nước >86% chiếm tới 75,32%. Sảm phẩm phi lê cá tra có tỷ lệ mạ băng ≤10% chiếm 49,35%, sản phẩm có tỷ lệ mạ băng >20% chiếm 16,02%.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NNPTNT cân nhắc thay thế quy định về hàm lượng nước tối đa và tỷ lệ mạ băng bằng cơ chế doanh nghiệp tự công khai thông tin về thành phần, chất lượng sản phẩm; xem xét việc tiếp tục áp dụng thủ tục đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra.

Theo các doanh nghiệp, các thị trường XK sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng theo quy định của Nghị định36 còn tương đối nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% thị phần XK các sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh. Do đó, quy định chỉ được phép sản xuất sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước ≤83% và tỷ lệ mạ băng ≤10% đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ, XK cá tra.

Do đó, Bộ NNPTNT đề xuất giữ nguyên quy định trên, nhưng đề nghị Chính phủ giao cho Bộ hướng dẫn lộ trình thực hiện theo hướng lùi thời hạn áp dụng. Cụ thể, đến ngày 31/12/2018, sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh XK có tỷ lệ mạ băng ≤20%; hàm lượng nước tối đa ≤86% so với khối lượng tịnh của sản phẩm. Từ ngày 01/01/2019 mới áp dụng đầy đủ quy định như trên.

Tương tự, Bộ NNPTNT đề xuất lùi thời gian áp dụng quy định các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Thay vì thực hiện từ 31/12/2015 như quy định hiện hành, các cơ sở chỉ phải thực hiện từ 31/12/2016.

Đăng ký hợp đồng không là điều kiện thông quan

Theo quy định, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký hợp đồng XK cá tra và Cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng XK sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận.

Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang kiến nghị bỏ quy định này vì cho rằng việc đăng ký hợp đồng XK cá tra chỉ phát sinh thủ tục hành chính, tăng chi phí của doanh nghiệp, đưa sản phẩm cá tra XK đang kiểm soát theo chế độ hải quan luồng xanh sang luồng vàng (chỉ thông quan sau khi đã kiểm tra hồ sơ).

Theo Bộ NNPTNT, việc tiếp tục duy trì đăng ký hợp đồng XK là cần thiết. Đây là khâu kiểm soát cuối cùng trong quá trình tổ chức, quản lý ngành theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng sản phẩm từ nuôi đến chế biến và XK, kiểm soát thực hiện quy hoạch, cân đối cung cầu giữa sản lượng cá nuôi và chế biến tiêu thụ (thông qua việc cấp mã số nhận diện ao nuôi và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm), hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong XK cá tra.

Tuy nhiên, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thông thoáng cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ NNPTNT đề xuất 2 điểm sửa đổi căn bản liên quan.

Thứ nhất, đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra không là điều kiện để cơ quan hải quan chấp nhận thông quan, ứng dụng CNTT trong đăng ký XK. Thứ hai, bỏ thu phí của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra.

Thay vào đó, bổ sung các quy định về chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát theo hình thức hậu kiểm tại các cơ sở nuôi, chế biến và XK cá tra.

Cân nhắc cơ chế doanh nghiệp tự công khai chất lượng sản phẩm

Ngày 25/9/2015, Văn phòng Chính phủ đã gửi Công văn số 7678/VPCP-KTN tới Bộ NNPTNT nêu ý kiến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tại công văn này, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ NNPTNT trong quá trình soạn thảo, chủ trì nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị định sửa đổi, bổ sung theo quy định.

Trong đó, tập trung vào các vấn đề: các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai Nghị định36; sự cần thiết phải áp dụng VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế; cân nhắc thay thế quy định về hàm lượng nước tối đa và tỷ lệ mạ băng bằng cơ chế doanh nghiệp tự công khai thông tin về thành phần, chất lượng sản phẩm; xem xét việc tiếp tục áp dụng thủ tục đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra.

Theo Chinhphu.vn