Xu thế ứng dụng LNG ngày càng đa dạng trong nền kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, xã hội, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực.

Năm 2024: Ưu tiên phát triển điện khí-LNG năng lượng xanh, bền vững
Nhà máy điện khí LNG Thái Bình có công suất 1.500 MW thuộc danh mục dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư. Ảnh: CTV

Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế cùng thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu này tại Hội nghị COP 26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.

Theo TS Nguyễn Tú Anh, với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để giảm lượng khí thải carbon, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.

Đồng thuận quan điểm nêu trên, TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương phân tích, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao, an toàn cho con người và môi trường. Đây được coi là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất, có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ứng dụng của LNG bao gồm 5 ứng dụng chính, bao gồm: Dân dụng, thương mại, giao thông vận tải, công nghiệp, hóa chất/hóa dầu. Trong công nghiệp, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác vì nó tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển trên khoảng cách dài.

Cần cơ chế chính sách cho phát triển điện khí

Theo ông Trần Đình Thiên, Chính phủ và các cơ quan quản lý năng lượng tại Việt Nam cũng đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của LNG đối với việc phát triển kinh tế trong nhiều năm tới. Theo quy hoạch điện VIII, các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG sẽ được đầu tư xây dựng liên tục trong giai đoạn 2025-2030. Việc triển khai các dự án LNG cần có sự quyết tâm cao độ từ Chính phủ, các bộ, ngành cho tới doanh nghiệp, trong đó cơ chế chính sách và dòng vốn đóng vai trò quyết định.

Năm 2024: Ưu tiên phát triển điện khí-LNG năng lượng xanh, bền vững
Năm 2024: Ưu tiên phát triển điện khí-LNG năng lượng xanh, bền vững. Ảnh: CTV

Ở góc độ đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho hay, cần thay đổi nhận thức và tư duy. Điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện, điện khí LNG cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy. Điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn.

Đồng thời, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch điện của Chính phủ. Đặc biệt, cần thiết một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch Điện VIII.

Đầu tư cho phát triển LNG mở ra nhiều cơ hội nhưng thiếu khung pháp lý, giá mua bán sản phẩm... Đây là khúc mắc cần khơi thông để việc phát triển LNG trong năm 2024, đáp ứng mục tiêu Quy hoạch điện VIII của Chính phủ.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, khúc mắc là để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.

Chia sẻ về giải pháp phát triển điện khí LNG, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, thực hiện mục tiêu Quy hoạch điện VIII, Chính phủ cần quan tâm sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Đến năm 2035, Việt Nam sẽ có 13 nhà máy điện khí LNG

Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII trong đó xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW.

Triển khai các dự án LNG là mục tiêu then chốt quyết định việc đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cam kết quốc tế, đảm bảo phục vụ dân sinh và nền kinh tế của Chính phủ. Trong đó, Chính phủ cũng ưu tiên cho việc đầu tư ứng dụng khí sạch LNG giảm phát thải khí nhà kính.