Áp lực xử lý nợ xấu tăng mạnh trong nửa cuối năm

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng là điều đã được dự báo trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát 2 năm qua. Báo cáo tài chính năm 2021 mới được công bố của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số ngân hàng, thí dụ như VPBank (tăng 60% so với 2020), Vietinbank (49%), VIB (58%), HDB (43%)…v.v.; bình quân số dư nợ xấu 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.

Cần giải pháp mạnh về pháp lý để gỡ mối nguy nợ xấu

Các ngân hàng cảnh giác với rủi ro, nợ xấu gia tăng sau dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, con số nợ xấu được công bố mới chỉ là các khoản nợ xấu nội bảng, chưa tính đến các khoản nợ xấu bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý và các khoản nợ xấu tiềm ẩn từ nợ tái cơ cấu và khả năng chuyển các khoản nợ từ nhóm 1,2 thành nợ xấu do điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi trong thời gian tới… (ước tính khoảng 7,31% tổng dư nợ).

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã nỗ lực hoàn thiện và tạo tiền đề cho các khung pháp lý về xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, từ nửa cuối năm 2022, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho việc xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng.

Cụ thể, Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022 và nếu không được gia hạn thì nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu theo Thông tư này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu khả năng tăng cao.

Nghị quyết 42 cũng sẽ hết hiệu lực từ 15/8/2022 và khi đó thì toàn bộ cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này cũng sẽ kết thúc. Trong trường hợp Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa sẽ gây ra việc thiếu hụt các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu. Do đó, tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng, quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Cần giải pháp mạnh về pháp lý để gỡ mối nguy nợ xấu

Tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2016 – 2021
(% tổng dư nợ). Nguồn: NHNN

“Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan; hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp Nghị quyết 42 theo hướng tiếp thu các mặt được, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi” - TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Xây dựng khung khổ pháp lý để chứng khoán hóa nợ xấu

Cùng quan điểm này, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh rất cần một đạo luật để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để, với thời gian và tiến độ nhanh hơn. Việc các ngân hàng thực hiện xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu dựa trên quy định của Luật về xử lý nợ xấu sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao tương ứng với các luật khác để khắc phục được những hạn chế, rào cản pháp lý trong thực tiễn thực hiện Nghị quyết 42 hiện nay.

Liệt kê một số nội dung trọng tâm, cấp thiết cần luật hóa để hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần rà soát toàn diện các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng như các luật về thuế, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… để phân tích, đánh giá những điểm chưa thống nhất, còn mâu thuẫn, đảm bảo hài hòa, kết nối với các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Luật Xử lý nợ xấu phải xác định rõ vai trò các chủ thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần chi tiết, cụ thể hai nội dung là mua bán nợ xấu và chứng khoán hóa nợ xấu. Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch nợ trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch. Luật cũng cần xây dựng hệ nguyên tắc cụ thể, xác định rõ nhóm đối tượng điều chỉnh luật để đảm bảo tính ổn định và lâu dài của luật, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng kiến nghị.

Nợ xấu gộp tăng mạnh lên 7,31%

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì con số này là 3,9%. Tỷ lệ nợ xấu gộp - bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại - cũng tăng mạnh từ mức 5,1% lên mức 7,31% cuối năm 2021, gần tương đương với con số cuối năm 2017 là 7,4%, cũng là năm mà Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.