![]() |
Điều hành tỷ giá hối đoái tại Việt Nam là hoạt động quan trọng nhằm bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Ảnh tư liệu |
PV: Với những diễn biến gần đây của kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề thuế quan, ông đánh giá thế nào về nguy cơ lạm phát đối với kinh tế Việt Nam?
![]() |
PGS.TS Phạm Thế Anh: Nguy cơ đối với lạm phát ở Việt Nam hiện nay có mấy yếu tố sau:
Thứ nhất, liên quan đến cung hàng hóa thì cung hàng hóa hiện nay ở Việt Nam đang có nguy cơ dư thừa năng lực sản xuất. Năng lực sản xuất ở trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ ở trong nước. Do vậy, nguy cơ xảy ra lạm phát do thiếu hụt hàng hóa, thiếu cung hàng là không có. Thậm chí có sức ép giảm giá hàng hóa ở trong nước xảy ra, khi các đối tác thương mại lớn của Việt Nam áp dụng thế quan thì hàng hóa của Việt Nam khó xuất khẩu ra bên ngoài hơn. Thế nên về phía cung ứng hàng hóa thì rủi ro lạm phát đi xuống.
Thứ hai, chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hiện nay có nguy cơ khiến cho thế giới rơi vào suy thoái, kinh tế tăng trưởng chậm lại và do vậy, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của thế giới cũng giảm đi. Điều này tạo sức ép giảm giá các mặt hàng nhiên liệu như giá dầu, khí, xăng giảm xuống. Đó là hai yếu tố thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát ở trong nước.
Còn những yếu tố làm tăng nguy cơ lạm phát ở trong nước bao gồm: những chính sách thúc đẩy đầu tư công, nới lỏng tín dụng, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng cung tiền cao hơn năm trước, sức ép mất giá của đồng tiền Việt Nam so với các đồng ngoại tệ mạnh. Những chính sách cung tiền, bơm tiền vào nền kinh tế này sẽ tạo sức ép lên lạm phát. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì nguy cơ lạm phát xấu trong năm nay có xác suất thấp và ở mức trung bình. Với tình hình kinh tế khó khăn nói chung hiện nay cả ở trong và ngoài nước, cũng như sự dư thừa năng lực sản xuất, khó khăn trong việc xuất khẩu và sự hỗ trợ của giá nhiên liệu thế giới đang ở mức thấp thì lạm phát không phải là vấn đề quá lớn với kinh tế Việt Nam.
PV: Vấn đề điều hành tỷ giá cần phải như thế nào để đảm bảo cân bằng lạm phát cũng như là giữ vững niềm tin vào đồng Việt Nam? Việt Nam có phải đánh đổi gì, thưa ông?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Đây là một bài toán không dễ. Trong kinh tế, “bộ ba bất khả thi” là giữ ổn định hay thậm chí là cố định tỷ giá, rồi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, tức là dùng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng cao trong nước và đồng thời lại để cho dòng vốn tự do di chuyển giữa trong nước và nước ngoài. 3 điều đó không thể xảy ra đồng thời được.
Cụ thể, khi muốn thúc đẩy tín dụng, muốn tăng trưởng cung tiền cao, thúc đẩy chi tiêu tài khóa mạnh để thúc đẩy tăng trưởng trong nước cao thì phải hạ lãi suất, giữ lãi suất thấp và cố gắng bơm vốn thêm cho nền kinh tế. Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với nguy cơ lạm phát cao, khó hạ lãi suất, đặc biệt ở Mỹ, khi mà áp dụng chính sách thuế quan thì lãi suất ở Mỹ sẽ khó hạ, bởi vì sức ép lạm phát tăng trở lại. Trong điều kiện như vậy thì dòng vốn quốc tế sẽ có xu hướng di chuyển từ trong nước ra nước ngoài để hưởng lãi suất cao hơn. Lúc đó, đồng Việt Nam có thể bị mất giá.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay thì có lẽ Việt Nam cũng phải cân nhắc chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Về lâu dài, phải hướng sang một chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt, thậm chí là “thả nổi có kiểm soát”. Bởi vì yếu tố tỷ giá là không thể kiểm soát hoàn toàn được. Nếu như dùng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong nước để theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng cao, thì về lâu dài là rất khó để ổn định tỷ giá, trừ khi có thặng dư thương mại rất lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ gặp khó khi các nước áp dụng thế quan, xu hướng bảo hộ thương mại quay trở lại trên thế giới.
Do vậy, ở đây là vấn đề liên quan đến sự đánh đổi. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong nước, cần phải cố gắng giữ lãi suất không tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong nước, cố gắng giữ lãi suất ở mức thấp, vừa phải. Khi đó đương nhiên đồng Việt Nam sẽ có xu hướng mất giá, khi lãi suất trên thế giới, đặc biệt là lãi suất của Mỹ chưa hạ và dòng vốn sẽ có xu hướng rút khỏi Việt Nam.
PV: Vậy sức ép mất giá với đồng Việt Nam sẽ như thế nào và có thực sự đáng lo không, thưa ông?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Tôi cho rằng, việc tỷ giá hối đoái tăng, tức là đồng Việt Nam mất giá cũng không phải điều xấu cho nền kinh tế, thậm chí nó còn hỗ trợ rất nhiều thứ.
Thứ nhất, nó làm cho giá hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới cạnh tranh hơn, bù đắp một phần tác động của thuế quan. Ngoài ra, nó còn chống được hàng giá rẻ tràn vào trong nước. Khi mà đồng Việt Nam mất giá thì hàng nhập khẩu vào trong nước sẽ trở nên đắt đỏ hơn, giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng trong nước đối với hàng ngoại nhập vào trong thị trường nội địa.
Đồng thời, điều này cũng hạn chế việc chuyển lậu hay chuyển chính thức đồng ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài. Rất nhiều các vụ án, vụ việc được phát hiện gần đây liên quan đến chuyển lậu ngoại tệ ra nước ngoài, nguyên nhân một phần là do đồng Việt Nam đang được định giá cao. Một căn nhà ở Việt Nam không lớn nhưng giá cũng có thể lên tới vài triệu USD. So với một căn nhà ở những nước phát triển thì đắt hơn rất nhiều. Thế nên khi đồng Việt Nam được định giá quá cao như vậy, sẽ làm cho giá tài sản ở Việt Nam đắt một cách tương đối so với tài sản nước ngoài, dẫn tới có xu hướng bán tài sản trong nước đi để chuyển sang tài sản nước ngoài.
Do đó, việc để đồng Việt Nam linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu thị trường, cung cầu ngoại tệ trên thị trường không phải là điều tồi tệ cho nền kinh tế. Ngược lại, nó còn có tác dụng rất tốt. Hầu hết các nước hiện nay trên thế giới, đặc biệt là những nước trong khu vực tương đồng với Việt Nam như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan cũng đã chuyển sang chế độ tỷ giá thả nổi. Tức là ngân hàng trung ương không giữ cố định tỷ giá. Họ chỉ can thiệp trong những trường hợp rất cần thiết, các doanh nghiệp, người dân ở các nước đó phải thích ứng với việc tỷ giá biến động và họ phải có những chiến lược phòng vệ rủi ro phù hợp. Nếu cứ cam kết cố định, nhiều khi các doanh nghiệp sẽ ỷ lại vào việc đó, còn thị trường ngoại hối không phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguy cơ bong bóng tài sản cao hơn lạm phát PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, sức ép lạm phát cũng luôn luôn thường trực, khi Việt Nam nới lỏng tài khóa, nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng cao, nhưng nó không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Nguy cơ rơi vào bong bóng giá tài sản nhiều hơn là nguy cơ lạm phát. Tức là giá của các loại tài sản, đặc biệt là bất động sản, vàng sẽ tăng mạnh hơn so với nguy cơ lạm phát. |