BT

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.

Sáng 4/1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 1/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ ký ban hành 2 Nghị quyết 01 và 02.

Triển khai các giải pháp tín dụng, tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Tại Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức 6% Quốc hội giao). Đồng thời, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đó là, phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững; đồng thời tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước để dành nguồn lực đầu tư cho phát triển. Chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp về tín dụng, tài chính, NSNN, thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không.

Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, xác định thể chế là nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật nhất là trong các lĩnh vực NSNN, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường... nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật mới ban hành, bảo đảm chất lượng và giảm thiểu số lượng văn bản ban hành.

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trước ngày 20/1/2021 xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 01.

Cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên

Tại Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, thông điệp của Chính phủ đề ra là Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 68, và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, gồm: Đề ra phương hướng, yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị bởi đây vẫn là khâu yếu; Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn; Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao VCCI tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02 năm 2021, trong đó xác định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm và thời hạn hoàn thành, nhất là đối với các bộ chỉ số mà nhiều năm chúng ta chưa có tiến bộ, còn nhiều dư địa để cải cách như: Đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp….; có kế hoạch tái cấu trúc quy tình nghiệp vụ để triển khai các dịch vụ công mức độ 3, 4 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội; Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử, tận dụng thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính để tạo thuận lợi trong cung cấp dịch vụ công, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ cũng lưu ý tới tác động đến các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của đất nước trong quá trình tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách liên quan đến doanh nghiệp để cải thiện các chỉ số này trên trường quốc tế.

TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để có thể giúp cải thiện điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam do Ngân hàng Thế giới đánh giá về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian sắp tới.

Hoàng Yến