Trong giai đoạn 2022 - 2023, nguồn lực đầu tư công được đẩy mạnh với vai trò động lực của nền kinh tế. Ảnh tư liệu minh họa. |
PV: Thưa ông, xin ông cho biết những kết quả nổi bật của việc triển khai Nghị quyết 39 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, đặc biệt là các kết quả về quản lý, điều hành ngân sách?
TS. Nguyễn Như Quỳnh: Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình hình chính trị kinh tế thế giới ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình kinh tế trong nước, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chẳng hạn như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8%, giảm thuế xăng dầu từ 4.000 đồng xuống 2.000 đồng/lít, giảm thuế với nhiên liệu cho máy bay.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, tổng quy mô các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khoảng 700 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm, chiếm khoảng trên 10% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Trong năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 185 nghìn tỷ đồng. Đến nay, kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong 7 tháng ước đạt 87,2 nghìn tỷ đồng.
Đây là gói hỗ trợ có quy mô và phạm vi lớn chưa từng có, góp phần đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, chính sách tài khóa mở rộng chỉ nên thực hiện hết năm 2024 để từ năm 2025 mở ra một chu kỳ mới. Chúng tôi không đề cập đến việc thắt chặt, mà khi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường thì chính sách tài khóa cần trở lại bình thường. Đây cũng là xu hướng điều chỉnh chính sách tài khóa chung của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
PV: Với những chính sách giảm thuế lớn như vậy, nhưng thu ngân sách vẫn tăng, vẫn đảm bảo các nhiệm vụ chi. Vậy những giải pháp gì đã giúp chúng ta đạt được điều này, thưa ông?
TS. Nguyễn Như Quỳnh: Bộ Tài chính những năm qua đã chủ động tham mưu trình Chính phủ nhiều giải pháp để tăng cường quản lý thu, đảm bảo nguồn lực NSNN cho phát triển kinh tế.
Một trong những giải pháp đó là triển khai hóa đơn điện tử. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tăng thu và chống thất thu NSNN, chống trục lợi thuế. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tăng cường quản lý hóa đơn điện tử trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn... Đến ngày 10/4/2024, toàn bộ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Đây là cố gắng rất lớn của ngành Tài chính.
Bên cạnh đó, các biện pháp quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, mua bán online được đẩy mạnh. Cổng thông tin nộp thuế nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam được vận hành từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 12,8 nghìn tỷ đồng được nộp qua Cổng thông tin.
Với các sàn thương mại điện tử trong nước, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngân hàng thương mại thu thập thông tin về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử; 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; 144 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân... Qua đó, tiếp tục bao quát các nguồn thu, tăng thu cho ngân sách.
Một giải pháp rất hiệu quả nữa là kết nối dữ liệu của cơ quan thuế với cơ sở dữ liệu về cư dân của Bộ Công an, theo Đề án 06. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) với các dịch vụ thuế điện tử.
Bộ Tài chính đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế, gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế.
Nhiều giải pháp được triển khai mang lại hiệu quả cao, như: xây dựng, áp dụng quy trình quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn và hồ sơ hoàn thuế GTGT; đưa vào vận hành “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử” trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
PV: Thời gian qua, đầu tư công là động lực hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng. Xin ông cho biết một số đánh giá về việc sử dụng nguồn lực ngân sách trong lĩnh vực này?
TS. Nguyễn Như Quỳnh: Trong giai đoạn 2019 - 2023, đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, nguồn lực đầu tư công được đẩy mạnh với vai trò động lực của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển nguồn NSNN tăng qua các năm, ước thực hiện năm 2023 đạt 725 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2019; bình quân giai đoạn đoạn 2019 - 2023 tăng 13,9%/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giải ngân vốn ngoài nước, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 chỉ đạt khoảng 43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Có một số tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như là: một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi; việc phân bổ chi tiết hàng năm còn chậm; chất lượng chuẩn bị dự án còn sơ sài; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đấu thầu, nguyên vật liệu khan hiếm, tăng giá; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm, còn tồn tại tình trạng né tránh, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ…
PV: Từ những thực tiễn triển khai các nhiệm vụ giai đoạn vừa qua, xin ông cho biết một số định hướng về điều chỉnh chính sách tài chính ngân sách thời gian tới?
TS. Nguyễn Như Quỳnh: Về hoàn thiện thể chế NSNN, hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương (NSĐP)”, trình Chính phủ trình Bộ Chính trị.
Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật NSNN và các văn bản liên quan phù hợp với thực tiễn theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý NSNN, tăng vai trò chủ đạo của NSTW. Rà soát điều chỉnh các quy định về phương thức chia sẻ nguồn thu giữa NSTW và NSĐP trong một số sắc thuế…
Để khơi thông nguồn lực, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật NSNN để tăng cường hiệu quả điều tiết ngân sách, mở rộng cơ sở thu, huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN.
Ngoài ra, từ năm 2024, Việt Nam đã thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, điều này có thể tác động đến việc thu hút FDI, giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
Giai đoạn 2021 - 2023, thu ngân sách hàng năm vượt dự toán Giai đoạn 2021 - 2023, thu NSNN hàng năm vượt dự toán (2021 vượt 233 nghìn tỷ đồng; 2022 vượt 406 nghìn tỷ đồng; 2023 vượt 133 nghìn tỷ đồng). Tổng thu NSNN trung bình giai đoạn đạt 18,4% GDP điều chỉnh, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (16% GDP). Trong khi đó, quy mô chi NSNN so với GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023, bình quân là 19,7% GDP. Đặc biệt, năm 2024, đã tích lũy khoảng 700 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSNN để sử dụng cho tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7/2024. Bội chi NSNN năm 2023 ước đạt 3,5% GDP, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội cho phép (4,42% GDP). |