cho vay tieu dung

Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo chuyên gia và tổ chức cho vay tiêu dùng. Ảnh: T.U

Tại buổi tọa đàm “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu tổng quan” được tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội, PGS.TS Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Tỷ lệ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 5-10%/tổng dư nợ tín dụng hiện nay, còn nhỏ so với tỷ lệ lên tới 40-50% ở các nước phát triển.

“Thị trường cho vay tiêu dùng đến nay chưa đạt mức độ phát triển tương xứng với tiềm năng. Điều này có thể nhận thấy qua số lượng khiêm tốn các tổ chức, sản phẩm tín dụng và tỷ lệ cho vay tiêu dùng”, ông Hải nhấn mạnh.

Trình bày về thực trạng thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay tại cuộc tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thùy Dung- Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện các tổ chức cho vay tiêu dùng tại nước ta bao gồm các ngân hàng thương mại, 15 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, các công ty tài chính Fintech và các hình thức vay phi chính thức khác như tín dụng đen, hụi, họ, cầm đồ.

Sở dĩ có rất nhiều tổ chức cho vay tiêu dùng từ chính thức đến phi chính thức như vậy vì hiện nay nhu cầu này tại thị trường Việt Nam rất cao. Theo nghiên cứu và thống kê, thời gian qua lĩnh vực được khách hàng tập trung vay nhiều là vay mua điện thoại, xe máy, máy tính trả góp và phân khúc cho vay chủ yếu ở khoản giải ngân dưới 40 triệu đồng.

“Hầu hết thủ tục vay ở các tổ chức đều rất nhanh chóng, linh hoạt với hồ sơ đơn giản (chỉ cần bảng lương, hóa đơn tiền điện...) và mức lãi suất dao động trong khoảng từ 1,46% - 1,6%/tháng", bà Dung cho biết.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và các đại biểu tham dự cũng trao đổi sôi nổi về kết quả khảo sát hành vi vay tiêu dùng. Tiến sỹ Hồ Chí Dũng – Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị kinh doanh nhận định: “Giới trẻ ngày nay sống tự lập hơn, quan điểm mở hơn trong việc chi tiêu. Vì vậy, họ cũng sẽ cởi mở hơn trong việc đón nhận các sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng”.

Để thị trường vay tiêu dùng phát triển tốt và bền vững, các công ty tài chính cần hướng đến một chiến lược hoạt động hiệu quả hơn thông qua việc hạ lãi suất cho vay và nâng cao chất lượng dịch vụ./.

Tố Uyên