bds

Bất động sản Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS không chỉ ở số lượng vốn, mà quan trọng hơn cần chọn lọc những nguồn vốn chất lượng, như vậy mới thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam, cũng như đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thu hút nguồn vốn lớn

Trong nhiều năm gần đây, BĐS luôn là lĩnh vực nằm trong top đầu về thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Đơn cử, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2019, tổng số vốn FDI (cả vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký bổ sung) đầu tư vào Việt Nam đạt 15.763 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực BĐS đứng thứ hai về thu hút FDI với 1.183 triệu USD, chiếm 10,8%.

Lý giải nguyên nhân BĐS luôn có sức hút đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, trước hết bởi đây là lĩnh vực được đánh giá sẽ đem lại lợi nhuận từ mức khá trở lên cho NĐT. Thậm chí, trong lĩnh vực BĐS có hoạt động đầu cơ, có thể đem lại siêu lợi nhuận cho NĐT trong một số thời điểm và ở một vài phân khúc nhất định. Tuy nhiên, theo ông Châu, hoạt động đầu cơ chỉ diễn ra ở một nhóm NĐT có tâm lý làm ăn chộp giật và hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hình thức này là không bền vững.

Thứ hai, Việt Nam được đánh giá là một thị trường nhiều tiềm năng. Cụ thể, với dân số hiện xấp xỉ gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường rộng lớn. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ, người dân thuộc tầng lớp trung lưu có xu hướng tăng nhanh (dự báo từ khoảng hơn 35% dân số hiện nay sẽ tăng khoảng 50% vào năm 2030). Người trẻ, người trung lưu trong xã hội chiếm tỷ lệ lớn trở thành tiềm năng cho sự phát triển của thị trường BĐS. Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, những quốc gia nào có GDP bình quân đầu người chưa đến 7.000 USD thì có tiềm năng phát triển BĐS rất mạnh. Việt Nam hiện có mức GDP/người khoảng gần 2.600 USD nên vẫn còn dư địa để thu hút các NĐT nước ngoài đầu tư vào BĐS.

Ngoài ra, một số chính sách về nhà ở của Việt Nam quy định trong Luật Nhà ở đã thông thoáng hơn, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đã tạo tâm lý yên tâm cho NĐT nước ngoài và kích thích họ đầu tư nhiều hơn vào thị trường BĐS Việt Nam.

Bên cạnh những nguyên nhân từ chủ quan của NĐT nước ngoài, theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, còn nguyên nhân xuất phát từ chính các NĐT nội. Cụ thể, trong bối cảnh tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực BĐS ngày càng có xu hướng bị siết chặt, thì việc tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó có vốn FDI là một trong những xu hướng các NĐT nội đang phải hướng đến. Qua đó, việc liên doanh, liên kết giữa NĐT trong nước và nước ngoài cũng được đẩy mạnh hơn, dẫn đến nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS Việt Nam thông qua các hình thức mua bán, sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần… cũng tăng lên.

Cần chọn lọc dòng vốn

Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, trong vài năm gần đây, nguồn vốn ngoại vào thị trường BĐS Việt Nam đã tăng theo từng năm. Hiện nay, nhiều nhà phát triển BĐS nổi tiếng trên thế giới từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản… đều đã có mặt tại thị trường BĐS Việt Nam. Theo đó, NĐT ngoại vào Việt Nam hiện chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất quan tâm đến tài sản tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ và khách sạn nằm ở những khu vực trung tâm của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.... Nhóm thứ hai tập trung hướng đến việc phát triển nhà ở. Họ hợp tác với các NĐT trong nước, nhất là các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất để xây dựng chung cư hay khu biệt thự.

Đánh giá về tác động của dòng vốn FDI vào BĐS, theo ông Hiếu, ở chiều tích cực, dòng vốn ngoại vào BĐS Việt Nam đem lại nhiều lợi ích như mang lại cho thị trường một nguồn lực phát triển bổ sung từ dòng vốn ngoại lớn, bên cạnh dòng vốn nội địa. Đồng thời, sự hiện diện của các NĐT ngoại sẽ giúp thị trường đa dạng sản phẩm với những thiết kế, kiến trúc khác nhau, cũng như đem tới thị trường những kinh nghiệm chuyên môn trong đầu tư, kinh doanh, quản lý… trong nhiều phân khúc BĐS, giúp đưa thị trường BĐS Việt Nam tiệm cận dần đến những chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, việc gia tăng hợp tác, liên kết với các NĐT nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp nội giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, sự tham gia của các NĐT nước ngoài sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo nên sự sàng lọc các NĐT, hướng đến thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển minh bạch, bền vững…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo ông Lê Hoàng Châu, việc thu hút FDI vào BĐS vẫn còn có những quan ngại, cần sự kiểm soát quản lý chặt chẽ. Đó là tình trạng nhiều dự án trì trệ, chậm triển khai, thậm chí “đắp chiếu” nhiều năm liền, gây sự lãng phí tài nguyên đất đai rất lớn, làm xấu bộ mặt đô thị, mất cơ hội đầu tư của những NĐT chân chính… Mặt khác, nhiều NĐT triển khai dự án hiệu quả không cao, nhất là tình trạng NĐT chỉ tập trung đầu tư vào một vài phân khúc dẫn đến chênh lệch cung – cầu lớn, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của thị trường BĐS…

Trước thực tế đó, theo khuyến nghị của các chuyên gia, việc gia tăng thu hút dòng vốn FDI vào BĐS là một xu thế tất yếu trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thì quá trình thu hút FDI cần thực hiện phù hợp với các quy hoạch chiến lược mà Việt Nam đã đặt ra, nhất là định hướng thu hút FDI chất lượng cao. Đặc biệt, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, đánh giá năng lực tài chính, uy tín của NĐT; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để đấu giá tìm NĐT tiềm năng, phù hợp hơn…

Đối với các NĐT nước ngoài, khi lựa chọn đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, NĐT cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ xu hướng phát triển của thị trường, khả năng cung – cầu của từng phân khúc… để lựa chọn phân khúc đầu tư phù hợp, hiệu quả, như vậy mới đảm bảo hưởng “trái ngọt” khi đầu tư tại thị trường Việt Nam….

Thiện Trần