Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030 -7
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030.

Tham dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng...

Cùng dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế; lãnh đạo một số địa phương của Lào, Thái Lan và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030 -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030 -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030.

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tiếp tục mở rộng tầm nhìn và khát vọng, để Hà Tĩnh khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu tham gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Hà Tĩnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu dự hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1363/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên 5 quan điểm lớn:

Một là, phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng.

Hai là, bám sát đặc điểm, vai trò, vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, nằm trên trục giao thông chiến lược, một trong những cửa ngõ lớn trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng để tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp theo định hướng tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Ba là, lấy nhân tố quyết định nội lực là con người, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số; xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, tránh trùng lắp với các địa phương lân cận, làm nền tảng, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững.

Bốn là, tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ, hợp lý, hiện đại; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế với các hình thức đầu tư phù hợp để phát triển hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý. Đẩy mạnh cải cách hành chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, giảm phiền hà, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Năm là, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường liên kết trong phát triển với các địa phương khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế.

Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh xác định: xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định các mục tiêu cụ thể. Trong đó, về kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 9%/năm; cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%; GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4,0 tỷ USD; năng suất lao động tăng 11,3%/năm; mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14 - 15%/năm, tỷ lệ thu ngân sách bình quân so với GRDP là 27%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 750 - 800 nghìn tỷ đồng.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh xác định 4 ngành trọng điểm gồm: công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Cùng với đó là 3 trung tâm đô thị gồm: Trung tâm đô thị xung quanh TP. Hà Tĩnh với TP. Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối gồm thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà; Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.

Quy hoạch cũng xác định 3 hành lang kinh tế gồm: hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Một trung tâm động lực tăng trưởng là: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

4 nền tảng chính gồm: nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định Hà Tĩnh sẽ là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo./.