Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam về việc đề nghị nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Chưa xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Ảnh minh họa

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Việc quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cần được xem xét trong việc xác định mô hình, chính sách, quyền lợi hưởng các chế độ của người lao động và nhân thân của họ, mức độ bao phủ, các yếu tố kinh tế vĩ mô, cũng như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người...

Hiện nay, tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là 10,5%, bao gồm: bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%. Người sử dụng lao động đóng 21,5%, trong đó: 17,5% bảo hiểm xã hội, 3% bảo hiểm y tế và 1% bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, tổng tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%.

Xét về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đơn thuần thì Việt Nam là một trong những nước hiện cao tương đối so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo tỷ lệ hưởng thì quyền lợi hưởng chế độ ốm đau và thai sản được đánh giá là cao, đặc biệt là chế độ hưu trí hiện cao nhất trên thế giới với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, trong khi các nước khác duy trì ở mức 35 - 50%.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thực hiện điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội sẽ tác động rất lớn đến bộ phận người tham gia bảo hiểm xã hội nói riêng và cả xã hội nói chung. Do đó, việc giữ tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội như hiện hành sẽ góp phần bảo đảm ổn định chính sách bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong các mối quan hệ như: tương quan, phù hợp với mức hưởng; giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng; giữa thời gian đóng - hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ; nguyên tắc chia sẻ chủ yếu đối với các chế độ ngắn hạn.