Bảo hiểm nhân thọ vẫn cần thêm thời gian

Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính tới cuối quý I/2024, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ước đạt 937.337 tỷ đồng, tăng +8,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó DNBH phi nhân thọ đạt 136.030 tỷ đồng và DNBH nhân thọ đạt 801.307 tỷ đồng.

Các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 776.471 tỷ đồng, tăng +8,69% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 624.055 tỷ đồng, tăng +7,83% so với cùng kỳ. Đồng thời, tổng nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng +10,12%, ước đạt 201.466 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 53.295 tỷ đồng, giảm -5,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 19.555 tỷ đồng, tăng +6,68%; song lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 33.740 tỷ đồng, giảm -10,9% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 20.988 tỷ đồng, tăng 25,16% so với cùng kỳ, trong đó DNBH phi nhân thọ là 5.505 tỷ đồng, còn các DNBH nhân thọ là 15.483 tỷ đồng.

Niềm tin phục hồi, bảo hiểm nhân thọ sẽ “lấy lại phong độ”
Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang nỗ lực lấy lại niềm tin khách hàng. Ảnh: Duy Dũng

Như vậy, qua số liệu cho thấy, thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn còn khó khăn. Mặc dù con số sụt giảm đã nhỏ hơn năm 2023 (-12,5%), nhưng doanh thu phí bảo hiểm khối nhân thọ vẫn giảm -10,9%. Đây vẫn là con số tương đối lớn sau chặng đường dài tăng trưởng mạnh mẽ trước đây.

Lý giải về điều này, một số ý kiến cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ cần thêm thời gian để thay đổi và hồi phục dần. Trên thực tế, nhiều DNBH đã khẩn trương “thay đổi mình” một cách sâu sắc và toàn diện. Chẳng hạn như kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, mảng kinh doanh này đang từng bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi các quy định pháp lý được thay đổi.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch GAMA Global - Vietnam, nhiều DNBH nhân thọ đã tiến hành siết chặt hơn nữa các quy trình chuẩn mực chuyên nghiệp trong hợp tác, khai thác bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng.

“Chất lượng tư vấn bán hàng và phục vụ hợp đồng được đưa vào thỏa thuận bằng việc xác lập hạn mức “tỷ lệ duy trì hợp đồng” tối thiểu và tăng dần đến tỷ lệ lý tưởng; có doanh nghiệp đã tiến đến việc thiết lập một “Ủy ban Quản lý chuẩn mực ứng xử khách hàng” giữa hai đối tác, đưa ra những tiêu chí và chế tài để quản lý, giám sát các vấn đề liên quan đến tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng, đồng thời thực hiện cuộc gọi giám sát chất lượng, xác thực thông tin nhu cầu khách hàng...” - ông Thắng thông tin thêm.

Sẽ hồi phục vì tiềm năng còn lớn

Một số ý kiến cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ chưa thể phục hồi nhanh và mạnh mẽ bởi cả yếu tố chủ quan và khách quan. Về chủ quan, nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình thay đổi, hoàn thiện để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới. Về khách quan, kinh tế mặc dù đang hồi phục, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vì thế nhu cầu bảo hiểm sẽ giảm đi khi sức cầu tiêu dùng tăng trở lại. Một số dự báo cho thấy, tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể sẽ có dấu hiệu khởi sắc hơn vào cuối quý II, đầu quý III năm nay và sau đó có thể lấy lại quỹ đạo tăng trưởng trong trung hạn.

Tổng giám đốc một DNBH cho rằng, DNBH Việt Nam đang hướng tới một năm 2024 thịnh vượng với những mục tiêu tài chính quan trọng. Đặc biệt, thị trường đang đặt mục tiêu tổng tài sản toàn ngành dự kiến đạt 1.004.421 nghìn tỷ đồng, tăng 9,97% so với năm 2023. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng đóng góp cho nền kinh tế với vốn đầu tư dự kiến là 850.264 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11,51% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 243.472 nghìn tỷ đồng, trong đó bảo hiểm nhân thọ chiếm 163.785 nghìn tỷ đồng (tăng 5%).

“Sự mở rộng này thể hiện sự phục hồi và tiến bộ mạnh mẽ của ngành sau những thách thức của năm 2023 và các trụ cột của ngành bảo hiểm nhân thọ rất vững chắc: nhân khẩu học, tỷ lệ thâm nhập, CPI trong tầm kiểm soát, tốc độ tăng trưởng và khuôn khổ pháp lý mới để đảm bảo tăng trưởng bền vững” - lãnh đạo DNBH này cho hay.

Trao đổi với báo chí, ông Bae Seung Jun - Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam cho rằng, nền kinh tế nói chung, thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng có thể sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong năm nay; tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, với sự điều chỉnh lớn về hành lang pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ góp phần thúc đẩy thị trường phát triển tích cực hơn.

Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trong năm 2024, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tập trung vào công tác quản lý giám sát với mục tiêu đảm bảo thị trường bảo hiểm minh bạch, an toàn, hiệu quả để phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các chuẩn mực quốc tế.

Cùng với đó, trong năm 2024, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chú trọng công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm. Đồng thời, song song với việc nâng cao hơn nữa chất lượng thi, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, yêu cầu các DNBH tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đại lý bảo hiểm để tăng chất lượng tư vấn và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Niềm tin phục hồi, bảo hiểm nhân thọ sẽ “lấy lại phong độ”

ÔNG BAE SEUNG JUN - TỔNG GIÁM ĐỐC SHINHAN LIFE VIỆT NAM:

Sẽ sớm lấy lại niềm tin khách hàng

Bên cạnh nỗ lực và các giải pháp của cơ quan quản lý, sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng tư vấn, cung cấp các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thật của khách hàng, thì thị trường sẽ sớm lấy lại được niềm tin của khách hàng, từ đó phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Nhìn vào con số rất lớn về đầu tư trở lại nền kinh tế và chi trả quyền lợi bảo hiểm mỗi năm đã cho thấy vai trò góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Hơn nữa, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 11%. Vì thế, chúng tôi luôn có niềm tin rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ sớm tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Niềm tin phục hồi, bảo hiểm nhân thọ sẽ “lấy lại phong độ”

ÔNG NGUYỄN HỒNG SƠN - TỔNG GIÁM ĐỐC CHUBB LIFE VIỆT NAM:

Tiềm năng còn rất lớn

Tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn rất lớn. Tỷ lệ người dân được bảo hiểm vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực, trong khi Việt Nam lại vẫn đang ở giai đoạn “dân số vàng”, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động cao, nên mối quan tâm cho bảo hiểm nhân thọ ngày càng lớn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cũng như nỗ lực cải thiện từ chính doanh nghiệp, tôi cho rằng bảo hiểm nhân thọ không chỉ sớm khôi phục niềm tin với khách hàng mà còn sẽ phát triển bền vững hơn.

Niềm tin phục hồi, bảo hiểm nhân thọ sẽ “lấy lại phong độ”

ÔNG NGUYỄN ĐỨC THẮNG - CHỦ TỊCH GAAM GOLBAL - VIETNAM:

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng sẽ tích cực hơn

Hoạt động khai thác bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường, nhưng cũng cần được triển khai một cách công bằng, minh bạch, đảm bảo lợi ích khách hàng.

Chất lượng của thị trường bảo hiểm phụ thuộc rất lớn vào chất lượng công tác đào tạo huấn luyện nghề tư vấn bảo hiểm, đặc biệt và việc đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp. Với tiềm năng và giá trị của bảo hiểm, cùng với các quy định mới về việc khai thác bảo hiểm, trong đó có việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, nếu được triển khai một cách đầy đủ, nghiêm túc, tôi tin rằng sẽ có sự thay đổi tích cực của thị trường bảo hiểm trên nền tảng pháp lý mới.