Hà Nội vững tin sớm bắt đầu trạng thái bình thường mới.

Hà Nội vững tin sớm bắt đầu trạng thái bình thường mới.

Theo Nghị quyết 86, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021. Kết quả, tất cả các địa phương “vùng đỏ” đều lỡ hẹn.

Mắc kẹt trong nỗi sợ

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các “cuộc hẹn” bất thành có thể nhìn thấy ngay đó là vì mắc kẹt trong nỗi sợ, với biểu hiện rõ ràng nhất là cứ mỗi lần hết thời hạn 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì các địa phương lại đồng loạt gia hạn thêm, dù có rất nhiều tiếng nói trong xã hội cảnh báo cứ tiếp tục tăng thêm thời gian giãn cách xã hội thì sẽ phải trả giá quá lớn, ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.

Trước thực tế này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải gay gắt nói: “Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể là trong thời gian 14 ngày. Chúng ta không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì như vậy là gây khó khăn rất lớn cho nhân dân và nền kinh tế”.

Nỗi sợ dịch bệnh đeo bám đến độ không chỉ thực hiện giãn cách tại địa phương mình, nhiều địa phương còn cố “ngăn sông” với tỉnh bạn và ngăn cả dòng chảy lưu thông. Hồi trung tuần tháng 8, lực lượng chức năng thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đột nhiên dùng dải phân cách bê tông chắn ngang quốc lộ 1 đoạn qua phường An Bình để… chặn đường lây lan dịch về địa phương mình.

Tháng 9 cả nước “bình thường mới”


“Trước mắt chúng ta cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế. Đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế. Quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”. - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Còn Cần Thơ nảy ra “sáng kiến” là tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa qua Cần Thơ đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa, bất kể là phương tiện vận tải đã có mã QR Code và lái xe đã có giấy xét nghiệm âm tính, khiến doanh nghiệp chất lên chất xuống hàng hóa và chờ đợi hàng chục giờ đồng hồ.

Và không chỉ có Cần Thơ ban hành “sáng kiến”. Theo thông tin Bộ Giao thông - Vận tải, có tới 8 tỉnh tự ý “đẻ” giấy phép con, làm khó lưu thông hàng hoá. Cứ mắc kẹt trong nỗi sợ nên việc chống dịch không đạt được mục tiêu đề ra và Covid-19 ngày càng uy hiếp sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải nhiều lần yêu cầu các tỉnh, thành phố quyết liệt hơn nữa, nhanh chóng kiểm soát dịch để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không chủ quan, nóng vội

Cuộc chiến chống dịch còn trở nên gian nan gấp bội khi bên cạnh các địa phương co cụm lại trong nỗi sợ, lại là các địa phương tỏ ra… không hề biết sợ theo khí chất “lãng tử” miền Tây mà Chính phủ đã phải nhiều lần nhấn mạnh rằng phải hết sức tránh 2 khuynh hướng. Một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch; hai là nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.

Dù phải liên tục họp trực tuyến với toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, với 23 địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, với TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, ngày 13/9, Thủ tướng vẫn dành thời gian họp riêng với hai địa phương Kiên Giang và Tiền Giang. Tại hai địa phương này, tình hình chống dịch biến động đầy bất thường khi nhiều xã, phường, thị trấn phút chốc chuyển màu từ “xanh”, “cam” thành “đỏ”.

Đặc biệt, Kiên Giang chuyển biến xấu chỉ trong vòng một tuần mà Thủ tướng mô tả là: “đang từ xanh rờn thành đỏ quạch!”. Kiên Giang trong tuần rồi đã có số mắc mới trong cộng đồng tăng tới gần 70% so với tuần trước đó khiến địa phương này từ nhóm 2 - nhóm đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch xuống nhóm 3 - nhóm cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.

Đánh giá, qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, Kiên Giang và Tiền Giang đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, kết quả chưa được như mong muốn và dự báo tình hình có thể phức tạp hơn. Theo người đứng đầu Chính phủ, qua kiểm tra cho thấy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số đơn vị cơ sở chưa nắm chắc, chưa quán triệt đầy đủ các chủ trương, giải pháp; việc nắm tình hình và dự báo tình hình chưa sát; tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, không chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phù hợp diễn biến dịch bệnh tại địa phương.

“Kiên Giang, Tiền Giang đã có bài học kinh nghiệm về nguyên nhân gây bùng phát dịch từ các địa phương khác, nhưng vẫn chủ quan, lơ là”. Lãnh đạo tỉnh phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, chậm nhất là ngày 30/9 phải kiểm soát được dịch” – Thủ tướng yêu cầu. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang hứa quyết tâm chuyển các địa bàn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao thành vùng bình thường mới vào ngày 20/9.

Còn lơ mơ, còn mong manh


“Cứ lơ mơ làm sao chỉ huy được!” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang, tại cuộc họp trực tuyến với hai tỉnh này ngày 13/9. Cho biết đã gọi điện nhiều lần cho Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình để lưu ý phải kiểm tra để chỉ đạo kịp thời, nhưng đến nay Thủ tướng thấy rất phiền lòng về Kiên Giang.

Trong khi đây lại đang là một trong những niềm hy vọng mang lại khí thế mới cho nền kinh tế, vốn đang rất u ám vì dịch bệnh. Trước đó vài ngày Thủ tướng đã đồng ý với kế hoạch của Kiên Giang và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch về việc sẽ cho Phú Quốc thí điểm mở cửa đón khách quốc tế với "hộ chiếu vắc xin" và quy trình khép kín.

Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Văn hóa - thể thể thao và du lịch gửi tới các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao. Theo kế hoạch này, Phú Quốc sẽ đón khách quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại.

Nhưng giống như “đánh đùng”, các ca F0 tăng đột biến, chỉ trong vòng 7 ngày gần đây đã có hơn 1.200 ca mới, trong đó có hơn 770 ca trong cộng đồng. Trên bản đồ Covid-19 của tỉnh này, cả một dải từ thành phố Rạch Giá, huyện Hòn Đất, huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên là cửa ngõ kết nối với Phú Quốc bằng đường biển đều… rực rỡ màu cam và đỏ, khiến kế hoạch mở cửa Phú Quốc có thể đứng trước nguy cơ phá sản.

Bài học từ Kiên Giang cho thấy, chống dịch thực sự là cuộc chiến đòi hỏi sự tập trung và tỉnh táo ở mức cao nhất. Còn lơ mơ, thì mọi kết quả đạt được đều còn là mong manh và cả quá trình mở cửa nền kinh tế cũng vậy, nếu có mở được thì cũng lại loay hoay xoay vần trong mở, đóng; đóng, mở.

Đoàn Trần